image banner
Giải pháp gia tăng giá trị kinh tế các sản phẩm OCOP
Lượt xem: 790

Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, thì không thể chạy theo số lượng mà hướng tới chất lượng, tập trung vào việc định vị thương hiệu và hướng tới xuất khẩu.

Qua 4 năm, đến nay tỉnh Nghệ An có đến 403 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Dù chương trình đã góp phần nâng cao giá trị cho nhiều sản phẩm, tác động nhất định đến tư duy về kinh tế của các hợp tác xã và hộ kinh doanh nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Thoát khỏi cái bóng "sản phẩm giảm nghèo"

Đặc biệt, theo đánh giá Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, sản phẩm OCOP của địa phương vẫn có độ "nghiêng" khi chủ yếu tập trung vào nhóm thực phẩm. Nghệ An vẫn thiếu sản phẩm thuộc nhóm du lịch và thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất, sản phẩm làng nghề. Trong khi du lịch là mũi nhọn kinh tế, thị trường tiêu thụ bền vững cần sớm tận dụng.

Bài 3: Giải pháp gia tăng giá trị kinh tế các sản phẩm OCOP
Hợp tác xã Nông dược Tĩnh Sáng Đường có 3 sản phẩm 3 sao, đã hình thành được vùng nguyên liệu rộng lớn, ổn định để phát triển sản xuất, chế biến.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An Phùng Thành Vinh, cho biết OCOP là Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", song trên thực tế có những xã có nhiều sản phẩm. Đây là những sản phẩm mang tính đặc trưng, bản sắc, văn hóa riêng có của vùng, miền, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng riêng có của vùng, miền nên có thể gọi là đặc sản.

Sản phẩm OCOP được xây dựng theo định hướng từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị và ổn định về nguồn lực cho kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp Nghệ An, điều quan trọng hiện nay là việc phát triển các sản phẩm OCOP cần phải đi theo hướng đảm bảo sản xuất bền vững, an toàn, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu. Do đó, nếu có điều kiện cần quy hoạch lại theo vùng, miền, tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển vùng nguyên liệu cung cấp.

Cũng theo ông Phùng Thành Vinh, việc phát triển và các sản phẩm được công nhận OCOP là không tự phát vì phải tuân theo một quy trình được chọn lọc từ cấp cơ sở, đủ tiêu chuẩn, điều kiện mới được công nhận, ví như theo quy định sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên phải tham gia thị trường.

Tuy nhiên, vấn đề đầu ra chưa ổn định xuất phát từ hạn chế là ở địa phương vẫn lúng túng để lựa chọn sản phẩm OCOP chủ lực của huyện, xã để phát triển, nâng cao thương hiệu, chất lượng, kết nối với thị trường.

Nhận diện hạn chế trên, nhấn mạnh phương châm “đi nhanh thì đi một mình; còn muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, ông Phùng Thành Vinh chỉ rõ sắp tới “Các sản phẩm OCOP dứt khoát phải đi theo hướng thương hiệu, chất lượng và phải liên kết cùng nhau để phát triển sản phẩm. Ngay chủ thể của các sản phẩm OCOP cũng phải chăm sóc sản phẩm của mình, cần quản lý được chất lượng. “Không có nhanh, nhiều, tốt rẻ”. Phải xác định sản phẩm OCOP bỏ qua giai đoạn là "sản phẩm giảm nghèo" mà định hướng tiến tới giúp các chủ thể làm ăn khá giả…”, ông Vinh nói.

Do vậy tập trung vào việc hỗ trợ sản phẩm đi vào chiều sâu, định vị được thương hiệu địa phương để hướng tới xuất khẩu.

OCOP nên tận dụng tối đa kênh bán hàng online, kênh du lịch

Theo ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An dù chủ thể OCOP chủ yếu là đối tượng sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ nhưng phải nhanh chóng bắt nhịp với xu hướng kinh doanh trực tuyến.

Bài 3: Giải pháp gia tăng giá trị kinh tế các sản phẩm OCOP

Dệt thổ cẩm, rượu men lá, nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, giò me Nam Nghĩa, nước mắm Cửa Hội... là những sản vật đặc trưng của mỗi địa phương. Những đặc sản này được "gắn sao" OCOP vừa tăng giá trị kinh tế, vừa giúp quảng bá văn hóa địa phương.

Theo ông Phạm Văn Hoá, "Bán hàng online phát triển nở rộ ở nước ta nói chung và ở Nghệ An sau COVID-19 vô cùng rộng lớn. Do đó, để đưa sản phẩm OCOP của người dân Nghệ An ra với thị trường cả nước, cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu, quảng bá hình ảnh sản phẩm hàng hóa. Đẩy mạnh chuyển đổi số, kết nối tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế; khuyến khích ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, nền tảng điện tử, mạng xã hội... để quảng bá, tiêu thị sản phẩm...".

Nếu như trước đây, khi một doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường thường qua 4 giai đoạn "tìm kiếm - quảng bá - bán hàng - test thị trường" và phụ thuộc rất nhiều đơn vị tổ chức. Nay các giải pháp thương mại điện tử đã giải quyết được cả 4 khâu trên. Nhờ vậy đã đem lại hiệu quả kinh tế cho rất nhiều ngành nghề và trở thành xu hướng tất yếu, phù hợp với quy mô của nhiều chủ thể.

Ông Phạm Văn Hoá lưu ý là sản phẩm nông sản thì vòng đời ngắn nên việc mua bán qua kênh online mất nhiều thời gian, buộc hàng OCOP phải giải quyết được vấn đề bảo quản, hướng đến chất lượng sản phẩm phải tuyệt đối đảm bảo.

Anh-tin-bai
Đ/c Phạm Văn Hoá - Giám đốc Sở Công Thương tham quan gian hàng sản phẩm OCOP Nghệ An tại Hội nghị kết nối cung cầu tại TP. Hồ Chí Minh

Từ góc độ này ông Hoá đề xuất cần phải nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Tiếp tục thúc đẩy phát triển liên kết vùng, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP; xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ, nhà phân phối, nhà sản xuất, các hợp tác xã. Đồng thời tập trung hỗ trợ chủ thể số hóa cửa hàng và sản phẩm.

Dù có thị trường tiêu thụ, đã phát triển 17 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, hệ thống khu trưng bày, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Nghệ An và được kết nối trên các sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, voso.vn (Viettel), postmart.vn (VNPT) và các kênh khác như Lazada, Amazon, Alibaba, Zalo, Facebook…Tuy nhiên, việc quảng bá, giới thiệu và lan tỏa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng chưa thật sự hiệu quả.

Ông Phạm Văn Hoá nhấn mạnh hai yêu cầu để sản phẩm "bơi ra biển lớn" là phải chuẩn hóa về tiêu chuẩn sản phẩm và tiêu chuẩn thương mại. Sản phẩm OCOP chưa phải là thương hiệu – đây chỉ là cơ sở, tiền đề để xây dựng thương hiệu sản phẩm. Vấn đề quan trọng nhất là đánh giá của thị trường, có những sản phẩm không "Sao” nhưng vẫn được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ rất tốt. Điều đó cho thấy, vấn đề quan trọng là xây dựng thương hiệu, phát triển thương hiệu của sản phẩm nông sản.

Cũng theo Sở Công Thương Nghệ An, thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án khuyến nông, khuyến công… để hỗ trợ người dân ứng dụng quy trình, máy móc trang thiết bị, quy trình, nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất đa dạng, nâng cao sản lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm… để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng thị hiếu, yêu cầu của người tiêu dùng.

Ngoài ra, tỉnh Nghệ An cũng đã có những kế hoạch đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đưa các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị và sàn thương mại điện tử.

Sản phẩm OCOP “rộng đường” xuất khẩu

Nghệ An là một trong số các các địa phương, phát triển mạnh các sản phẩm OCOP. Chủ trương của địa phương là hướng sản phẩm OCOP theo hướng nâng cao chất lượng, sản xuất hàng hóa, đưa vào hệ thống siêu thị và hướng đến xuất khẩu.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm ở Nghệ An phát triển khá mạnh mẽ. Hiện nay, 21/21 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đều tham gia xây dựng phát triển sản phẩm OCOP. Trong đó, có khá nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh nghệ An xuất khẩu qua các thị trường lâu nay vẫn được xem là khó tính như Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… nhiều doanh nghiệp đã khẳng định được chất lượng sản phẩm của mình, tiến đến mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bài 3: Giải pháp gia tăng giá trị kinh tế các sản phẩm OCOP

Công ty TNHH Đức Phong có rất nhiều sản phẩm đèn lồng độc đáo do người dân ở các làng nghề Nghệ An sản xuất đã được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao, xuất khẩu đi khắp các nước Châu Âu.

Từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, các sản phẩm dầu gội, tinh dầu sả, nước lau sàn, và dung dịch tinh dầu bưởi xịt tóc, với 100% từ thảo dược với nguồn nguyên liệu sạch của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Duy Minh (huyện Đô Lương) bán rất chạy bởi người dùng tin ở chất lượng vốn có của các loại thảo dược này cùng với thứ hạng sao đã được cấp. Chị Nguyễn Thị Hà - Giám đốc công ty chia sẻ: “Hiện nay, toàn bộ các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến nguyên liệu của Hà Duy Minh đều theo tiêu chuẩn hữu cơ: không có sâu bệnh, không thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học, không pha tạp. Sản phẩm đã được xuất khẩu sang các nước Singapore và Mỹ, sắp tới sẽ xuất qua cả Úc…”, chị Hà vui mừng chia sẻ.

Tương tự, từ năm 2019 sản phẩm lạc sen của Công ty TNHH Nông lâm thủy sản Sỹ Thắng ở xã Diễn Thịnh được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao đã mở ra hướng đi mới trong xuất khẩu lạc ở địa phương. Theo ông Phạm Ngọc Thắng – Giám đốc Công ty TNHH Nông lâm thủy sản Sỹ Thắng, hơn 2 năm nay doanh nghiệp đã xuất khẩu được lạc nhân theo đường chính ngạch giá cả ổn định với trên 3000 tấn/năm, doanh thu của Công ty tăng thêm khoảng 20%. Với chất lượng sản phẩm và thị trường không ngừng được mở rộng nên năm 2022 sản phẩm được nâng hạng 4 sao. “Để đáp ứng tiêu chí nâng hạng thì mở rộng sản xuất, các vùng sản xuất liên kết với bà con nông dân thứ hai về máy móc thiết bị cũng phải đầu tư tốt hơn. Trong tổng thể bộ tiêu chí nhiều vấn đề một là quy trình sản xuất hai nữa là chế biến bảo quản, ba nữa là thị trường, mình bán được nhiều mới được chấm điểm để nâng hạng…”, ông Phạm Ngọc Thắng cho biết.

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, các sản phẩm OCOP như, sản phẩm đèn lồng mây tre đan Đức Phong (Công ty TNHH Đức Phong, Nghi Phú, TP.Vinh), bánh đa Lương Sơn (Đô Lương), lươn ăn liền NAP Food… được đầu tư nhãn mác, bao bì đẹp, xây dựng được thương hiệu bước đầu tạo lòng tin cho người tiêu dùng, được thị trường chấp nhận. Nhờ đó, giá bán tăng từ 10-30%, lợi nhuận tăng và đã tìm được chỗ đứng tại các hệ thống phân phối, sản lượng bán lẻ lớn và rộng đường xuất khẩu.

Có thể thấy, có rất nhiều các doanh nghiệp đang chung tay phát triển tốt sản phẩm OCOP 4 sao để hướng tới các sản phẩm có chất lượng 5 sao, từng bước tạo ra sức bật trên thương trường quốc tế. Theo các chuyên gia, nếu doanh nghiệp biết tận dụng những gì sẵn có và xây dựng thương hiệu, giá trị đầu - cuối của sản phẩm thì sẽ giúp gia tăng sức bật của giá trị tài chính vô cùng lớn. Do đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần quan tâm đến yếu tố bền vững ngay từ khi bắt đầu đi vào vận hành sản xuất, bởi đây là nhu cầu tất yếu của thị trường…

Tỉnh Nghệ An phấn đấu đến 2025 có 5 sản phẩm đạt chất lượng 5 sao để tiến tới thuận lợi hơn trên con đường xuất khẩu. Các sản phẩm được gắn sao OCOP như là định danh cho thương hiệu, rất thuận lợi cho doanh nghiệp khi tiêu thụ sản phẩm, và nhất là khi tham gia xuất khẩu.
Thông báo
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ CÔNG THƯƠNG
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở

Trụ sở: Số 70 - Nguyễn Thị Minh Khai - Vinh - Nghệ An
Điện thoại: (0238)3 844 970 - Email: ct@nghean.gov.vn