FTA Việt Nam – Israel (VIFTA) có thể đi vào thực thi từ đầu năm 2024

Ông Lê Thái Hòa, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Israel có chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về FTA Việt Nam – Israel (VIFTA).

Thưa ông, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA) đã chính thức được ký ngày 25/7/2023 tại Israel. Đây là bản FTA thứ 16 của Việt Nam và được ký kết chỉ 3 tháng sau khi tuyên bố kết thúc đàm phán, là nỗ lực vô cùng lớn của Bộ Công Thương. Vậy thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Israel đã triển khai những giải pháp gì nhằm thúc đẩy việc ký kết nhanh FTA quan trọng này?

Ngày 25/7/2023, tại Văn phòng Thủ tướng Israel ở thành phố Jerusalem, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế & Công nghiệp Israel Nir Barkat đã thay mặt hai Chính phủ chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Nhà nước Israel (VIFTA).

Như vậy, Hiệp định VIFTA đã được chính thức ký kết chỉ sau 3 tháng 23 ngày kể từ khi tuyên bố kết thúc đàm phán giữa hai bên vào ngày 02/4/2023. Có thể thấy, trong một thời gian ngắn, với một khối lượng công việc đồ sộ cần phải hoàn thành cả về nội dung và thủ tục rà soát pháp lý nội bộ, phía ta và phía Bạn đã nỗ lực rất lớn để Hiệp định được ký kết vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Israel, chào mừng Quốc khánh lần thứ 78 sắp tới của nước ta. Việc ký kết FTA giữa Việt Nam và Israel đánh dấu thành quả nỗ lực không mệt mỏi của cả hai nước sau quãng thời gian 7 năm với 12 phiên đàm phán ròng rã.

Có được kết quả này, trước hết phải kể đến sự quyết tâm của cả phía Việt Nam và phía Israel, sự chỉ đạo kịp thời và sát sao của các cấp Lãnh đạo phía ta và phía bạn, quá trình làm việc không ngừng nghỉ của hai đoàn đàm phán Việt Nam và đoàn đàm phán Israel. Với vai trò là cơ quan chủ trì đàm phán, Bộ Công Thương, trực tiếp là Vụ Chính sách thương mại Đa biên làm đầu mối đã nỗ lực vô cùng lớn, tích cực phối hợp với Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel - cơ quan đầu mối chủ trì đàm phán của phía Bạn, để rà soát các nội dung liên quan, xử lý các vấn đề phát sinh, hoàn tất nội dung và các thủ tục rà soát pháp lý nội bộ cũng như công tác chuẩn bị cho việc ký kết.

Trong thời gian qua, với vai trò là cầu nối giữa hai đoàn đàm phán cũng như trực tiếp tham gia vào quá trình đàm phán Hiệp định VIFTA, Thương vụ Việt Nam tại Israel đã vinh dự được đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào thành công chung nói trên.

Cụ thể, ngay sau khi hai bên tuyên bố kết thúc đàm phán vào ngày 02/4/2023, Thương vụ tiếp tục tích cực phối kết hợp, thường xuyên giữ liên hệ chặt chẽ với đoàn đàm phán phía ta và với đoàn đàm phán phía Bạn để thúc đẩy việc hoàn tất các nội dung liên quan.

Thương vụ đã chuyển thư trao đổi của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tới Bộ trưởng Bộ Kinh tế & Công nghiệp Nir Barkat, kịp thời chuyển tải các thông tin cần thiết về chuyên môn cần xử lý gấp giữa hai đoàn đàm phán hai bên và đôn đốc thực hiện, bố trí thu xếp và tổ chức cuộc họp trực tuyến giữa hai Trưởng đoàn đàm phán phía Việt Nam và Trưởng đoàn đàm phán phía Israel vào ngày 13/6/2023 để thống nhất nguyên tắc xử lý ổn thỏa một số vấn đề phát sinh. Đồng thời, phối hợp thu xếp cho chuyến thăm của Bộ trưởng Kinh tế & Công nghiệp Israel - ông Nir Barkat sang làm việc tại Việt Nam sắp tới để triển khai việc thực hiện Hiệp định…

Thương vụ cũng đã chủ động điều phối, kết hợp chặt chẽ với các cơ quan đầu mối hữu quan phía Việt Nam và phía Israel để thu xếp, chuẩn bị chu đáo cho Lễ ký kết và tháp tùng Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chính thức ký Hiệp định VIFTA vào ngày 25/7/2023 dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

FTA Việt Nam – Israel được đánh giá rất cao vì mở ra thị trường mới cho doanh nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa nói chung sang các thị trường truyền thống đang gặp khó. Vậy Thương vụ sẽ có những giải pháp gì trong thời gian tới để sớm đưa Hiệp định này đi vào cuộc sống?

Bên cạnh những thị trường truyền thống, chúng ta cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng các thị trường mới, thị trường ngách, thị trường ở xa… Trong bối cảnh hiện nay, tình hình kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, hoạt động xuất nhập khẩu của Israel cũng bị tác động tiêu cực và xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường cũng bị ảnh hưởng. Do đó, việc ký kết Hiệp định VIFTA tạo ra khung khuôn khổ pháp lý quan trọng cho các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, dịch vụ, lao động… giữa hai nước, nhất là mở cửa thị trường cho hàng hóa của mỗi bên có điều kiện thâm nhập mạnh hơn nữa vào thị trường của nhau. Qua đó giúp tăng cường xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, mở ra một chương mới về giai đoạn phát triển và thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Sau khi được ký kết, hai bên đang tích cực triển khai các thủ tục phê duyệt pháp lý nội bộ để có thể sớm đưa Hiệp định VIFTA đi vào thực thi, dự kiến vào đầu năm 2024 tới đây.

Trong thực tế, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Israel có tính chất bổ sung cho nhau. Những mặt hàng Israel cần nhập khẩu cũng là những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam và ngược lại. Hiệp định VIFTA vừa được ký kết bao gồm nhiều lĩnh vực mà Việt Nam và Israel cùng quan tâm như thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật, hải quan, mua sắm chính phủ…

Vì vậy, trong thời gian tới, Thương vụ dự kiến lên kế hoạch tổ chức thực hiện các hoạt động sau đây nhắm tới các đối tượng là các tổ chức hữu quan, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp tại thị trường Israel:

Thứ nhất, trước mắt, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, thông qua phương tiện báo chí truyền thông và tổ chức các hội thảo doanh nghiệp, cung cấp thông tin về tầm quan trọng của Hiệp định VIFTA đối với tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, du lịch… giữa hai nước nói chung và đối với thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên nói riêng;

Thứ hai, phối hợp với đơn vị đầu mối trong nước của Bộ Công Thương phổ biến về nội dung hiệp định cho cộng đồng doanh nghiệp, sau khi được các cơ quan có thẩm quyền của mỗi nước phê duyệt thủ tục pháp lý, trao đổi văn kiện hoàn tất thủ tục phê duyệt và công bố hiệu lực thi hành, để tận dụng những ưu đãi mà Hiệp định VIFTA mang lại, nhất là đối với những ưu đãi về thuế quan dành cho các mặt hàng xuất nhập khẩu cụ thể.

Thứ ba, tiếp tục tăng cường hoạt động công tác xúc tiến thương mại, thúc đẩy kết nối hợp tác giao thương, vận động doanh nghiệp và khuyến khích tổ chức các đoàn doanh nghiệp Israel sang Việt Nam gặp gỡ đối tác bạn hàng, trực tiếp giao dịch và ký kết hợp đồng mua hàng từ Việt Nam.

Ngoài ra, Thương vụ cũng sẽ phối kết hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan ở trong nước đẩy mạnh công tác định hướng thông tin về thị trường sở tại, nhu cầu nhập khẩu của Israel đối với những mặt hàng xuất khẩu có thể mạnh của Việt Nam; đầu tư xây dựng và quảng bá thương hiệu tại các hội chợ, triển lãm được tổ chức ở cả Việt Nam và Israel; tổ chức các đoàn doanh nghiệp của ta sang tiến hành các hoạt động giao thương, gặp gỡ đối tác tại thị trường Israel và giao dịch ký kết hợp đồng xuất khẩu hàng hóa cũng như đối với các dịch vụ và lĩnh vực khoa học công nghệ mà hai bên cùng quan tâm…

Israel là một thị trường tiềm năng, nhưng lại ở khá xa. Trong bối cảnh thương mại quốc tế còn tiềm ẩn nhiều vấn đề rủi ro (ví dụ như các vụ lừa đảo diễn ra ngày càng nhiều), ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp Việt Nam để tận dụng tối đa ưu đãi từ hiệp định mà vẫn hạn chế tối đa rủi ro?

Hoạt động trong môi trường thương mại quốc tế luôn có những mặt thuận lợi và tiềm ẩn rủi ro ở bất cứ thị trường nào, đặc biệt lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn. Các vụ việc, hiện tượng lừa đảo hoặc tranh chấp thương mại phát sinh trong thực tế là không thể tránh khỏi, nếu doanh nghiệp không nắm chắc nghiệp vụ về ngoại thương và không có đủ thông tin chuẩn xác về đối tác bạn hàng.

Nhìn chung, các doanh nghiệp Israel kinh doanh năng động, thích ứng nhanh với biến động thị trường, làm ăn khá bài bản và nghiêm túc, giao dịch nhanh, thích mua hàng chế biến thành phẩm đã qua chế biến có giá trị gia tăng cao được đóng gói sẵn bao bì hoàn chỉnh để mang về đưa vào các kênh phân phối hoặc chuỗi siêu thị bán lẻ cho người tiêu dùng có thể sử dụng được ngay sau khi mua hàng. Họ cũng luôn chủ động tìm kiếm đối tác bạn hàng qua nhiều kênh khác nhau, có nhu cầu đa dạng và sức mua ổn định, khả năng thanh toán cao và cơ bản sòng phẳng, sẵn sàng đặt cọc hoặc trả tiền trước.

Đồng thời, thích gặp gỡ trực tiếp đối tác bạn hàng và đến tận nơi xem hàng hóa tại nhà máy sản xuất, thường tiếp cận đối tác cung cấp riêng biệt theo nhóm lẻ và tránh đi theo nhóm đông, muốn mua hàng trực tiếp của nhà sản xuất và không muốn qua trung gian. Tuy vậy, Israel được xếp vào địa bàn chiến tranh, tình hình an ninh chính trị ở sở tại luôn tiềm ẩn các yếu tố nhạy cảm về các xung đột và bất ổn, có thể ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực xung quanh.

Doanh nghiệp khi giao dịch, làm ăn với các đối tác tại thị trường Israel cần tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác bạn hàng, trong những trường hợp cần thiết cần phải tiến hành thẩm tra xác minh tư cách pháp nhân của đối tác, có thể thông qua nhờ Thương vụ hỗ trợ để thực hiện, nhất là với những bạn hàng mới; nắm vững về kỹ thuật nghiệp vụ ngoại thương, tập quán và thông lệ thực tiễn trong thương mại quốc tế; ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu với các nội dung chặt chẽ về các điều khoản thanh toán, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, bao bì đóng gói, thời hạn giao hàng, giải quyết tranh chấp…

Doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu Việt Nam cần chú trọng chào hàng các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao, với giá cả cạnh tranh sát thực và chất lượng phù hợp, trả lời nhanh chóng các giao dịch với khách hàng người mua Israel, tuân thủ các yêu cầu về tiêu chuẩn và quy định nhập khẩu của Israel mới ban hành, tích cực quan tâm, đầu tư khai thác thị trường Israel, cụ thể là chủ động sang khảo sát, tìm hiểu thị trường, tham dự các hội chợ, triển lãm, sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối giao thương được tổ chức tại Israel, trực tiếp gặp gỡ đối tác bạn hàng để phát hiện ra nhu cầu hợp tác của nhau, qua đó góp phần thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.

Bên cạnh đó, Israel là thị trường với nhiều đặc điểm, đặc thù về con người và tôn giáo. Là đất nước có đặc trưng tôn giáo và sắc tộc, các doanh nghiệp người Do Thái thường yêu cầu người xuất khẩu phải có chứng nhận Kosher, trong khi các doanh nghiệp người Ả-rập có thể yêu cầu người xuất khẩu phải có chứng nhận Halal, đối với một số chủng loại hàng hóa nhất định, chủ yếu đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng. Đây là hai loại chứng nhận mang tính chất tôn giáo và thường phụ thuộc vào yêu cầu cụ thể của người nhập khẩu theo từng lần giao dịch hoặc từng lô hàng mua bán. Do vậy các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về tập quán, quy định và thị hiếu thị trường để tránh gặp phải rào cản không đáng có khi thâm nhập thị trường này.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần thường xuyên theo dõi sát những diễn biến về an ninh chính trị tại Israel, do đây là địa bàn nhạy cảm về các xung đột và bất ổn có ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực, để có đối sách kịp thời về các giao dịch ký kết hợp đồng mua bán, chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu và bảo đảm lợi ích kinh doanh.

Đâu sẽ là những mặt hàng tiềm năng có khả năng gia tăng kim ngạch xuất khẩu tốt vào Israel sau khi VIFTA có hiệu lực, thưa ông?

Hiện tại, Israel là đối tác thương mại lớn thứ 5 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Trung Đông (sau UAE và Thổ Nhĩ Kỳ). Như đã nói ở trên, trong thực tế, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Israel có tính chất bổ sung cho nhau. Những mặt hàng Israel cần nhập khẩu cũng là những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam và ngược lại. Mỗi năm có khoảng trên dưới 70 diện mặt hàng các loại của Việt Nam được xuất khẩu sang Israel. Xét trên dung lượng thị trường, trị xuất khẩu của Việt Nam sang Israel/quy mô xấp xỉ 10 triệu người dân sở tại hàng năm đạt tỷ lệ khá cao.

Do không có sẵn tài nguyên thiên nhiên và hạn chế về nguồn lực nhân công sản xuất, hàng năm, Israel có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng hóa để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở trong nước. Hiện các doanh nghiệp Israel ngày càng quan tâm tới thị trường và đối tác Việt Nam, coi Việt Nam là một trong những nguồn cung cấp hàng hóa ổn định quan trọng tại Châu Á, nhất là đối với nhóm hàng điện thoại di động, nông sản (hạt điều, cà phê, gia vị…), thủy hải sản (tôm, mực đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, cá tra…), lương thực thực phẩm chế biến, nước giải khát, hàng gia dụng (thiết bị đồ dùng nhà bếp, máy hút bụi…), máy móc thiết bị điện, sản phẩm và thiết bị điện tử (thiết bị văn phòng, máy in, máy photocopy…), hàng tiêu dùng (quần áo, giày dép…), bánh kẹo, trái cây chế biến sấy khô và đóng hộp… để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở trong nước.

Bên cạnh đó, theo nội dung đàm phán trong Hiệp định VIFTA, một số mặt hàng nông sản như: trứng gà, thịt, khoai tây, cà rốt, súp lơ, nấm, mật ong, cá ngừ… được Israel dành hạn ngạch thuế quan với thuế suất trong hạn ngạch là 0%. Các mặt hàng thời trang, giày dép gia công và thành phẩm thuộc nhóm HS từ 61-64 hầu hết đều được miễn thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực, trong khi các mặt hàng thời trang, giày dép thể thao hầu hết có lộ trình xoá bỏ thuế quan trong vòng 3-5 năm. Xu hướng trong thực tế, những nhóm mặt hàng chế biến có giá trị gia tăng cao này sẽ tiếp tục có chỗ đứng ổn định, được người tiêu dùng Israel đánh giá cao và có khả năng gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang Israel trong thời gian tới.

Những năm gần đây, tại Israel thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung mặt hàng bơ sữa các loại, do nhu cầu tiêu dùng tăng cao và sản xuất trong nước không đáp ứng đủ, khiến chính phủ Israel phải liên tục điều chỉnh chính sách thương mại về nhập khẩu đối với mặt hàng này, áp dụng chủ yếu là bãi bỏ thuế nhập khẩu và hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng bơ sữa nhập khẩu, để tăng nguồn cung cấp. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng bơ sữa sang Israel trong thời gian tới.

Ngoài những mặt hàng nói trên, đáng chú ý, Công ty Vinfast thuộc Tập đoàn Vingroup trong tháng 4/2022 đã chính thức công bố chỉ định Công ty B-eV Motor Ltd. ở thành phố Tel Aviv làm đại lý phân phối độc quyền các xe ôtô điện của Vinfast tại thị trường Israel. Ngày 23/7/2023, tại Tel Aviv, Vinfast và B-eV Motor Ltd đã khai trương gian hàng giới thiệu 2 mẫu xe ô tô điện VF8 và VF9, nhân chuyến thăm làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và nhân dịp Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chính thức ký Hiệp định VIFTA với người đồng cấp Bộ Kinh tế Israel.

Hiện nay Israel đang tăng tốc thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của hiệu ứng nhà kính, nhất là đối với khí xả thải ra môi trường, theo các cam kết tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) và vì vậy, nhu cầu sử dụng xe ô tô điện tại thị trường Israel đã và đang gia tăng nhanh chóng. Do đó, ngay sau khi Hiệp định VIFTA có hiệu lực, mặt hàng xe ôtô điện của Công ty Vinfast sẽ có điều kiện thuận lợi thâm nhập vào thị trường Israel và góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Công Thương



 THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ

 Địa chỉ: Số 70, đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh, tỉnh Nghệ An

 Điện thoại: (0238)3844970

 Email: thitruonghoinhapnghean@gmail.com