Để góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày
18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm
nhìn đến năm 2045, Sở Công Thương đã kịp thời xây dựng và triển khai kế hoạch
thực hiện Nghị quyết (Kế hoạch số 327/SCT-KHTCTH ngày 15/02/2024), trong đó cụ
thể hóa một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành:
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp (như VSIP, WHA, Hoàng Mai I) được đầu tư nhanh và đồng bộ.
Thứ nhất, tập trung thực hiện
Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở
quy hoạch tỉnh được duyệt, tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương
trình, đề án, kế hoạch phát triển công nghiệp, TTCN, thu hút đầu tư hạ tầng kỹ
thuật CCN, phát triển hạ tầng điện lực, năng lượng, hạ tầng thương mại, dịch vụ
logistic;
Thứ hai, tiếp tục thực hiện
Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 23/3/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định
hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp Quốc gia đến năm 2030, tầm
nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 23/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh
uỷ Nghệ An về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp, tiểu thủ công
nghiệp giai đoạn 2021-2030. Tham mưu ban hành, triển khai Kế hoạch thực hiện Đề
án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ
An, trong đó tập trung tham mưu đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp nhằm thúc
đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, tận dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp
lần thứ tư để phát triển các lĩnh vực công nghiệp số, công nghiệp công nghệ
cao. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công
nghệ cao; công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghiệp
chế biến, chế tạo, sản xuất và lắp ráp ô tô; sản xuất vật liệu mới; công nghiệp
hỗ trợ; phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như chế biến nông - lâm -
thủy sản, dược liệu, vật liệu xây dựng. Đồng thời tập trung phát triển một số
ngành công nghiệp nền tảng như công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo sản xuất
vật liệu xây dựng sử dụng công nghệ mới. Tạo ra bước đột phá trong thu hút đầu
tư, nhất là nguồn vốn FDI để phát triển nhanh các ngành có lợi thế cạnh tranh,
các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Tham mưu phát triển
các doanh nghiệp nội địa đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng các ngành công
nghiệp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và
tăng cường tính tự chủ của ngành công nghiệp;
Thứ ba, tham mưu đầu tư
phát triển lưới điện đảm bảo năng lực cung ứng 7,064 tỷ kWh thương phẩm toàn tỉnh
vào năm 2025. Thực hiện tham mưu và chỉ đạo ngành Điện đầu tư phát triển hệ thống
lưới điện truyền tải, phân phối trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu phụ tải, nhất
là phục vụ các dự án sản xuất công nghiệp trong khu kinh tế và các khu công
nghiệp nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu tiêu dùng dân cư. Tập
trung đầu tư cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện. Phát triển nguồn điện phù
hợp với quy hoạch và thực tế địa phương;
Thứ tư, tham mưu phát triển
thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, và bền vững; kết hợp thương mại truyền
thống và chú trọng phát triển thương mại điện tử, đổi mới sáng tạo và số hóa,
công nghệ hóa phương thức kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, các
chủ thể tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa.
Thứ năm, tập trung xây dựng
“Đề án phát triển Nghệ An trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về
logistics”. Phối hợp với các Sở, ngành, UBND thành phố Vinh tham mưu xây dựng
thành phố Vinh trở thành trung tâm thương mại của khu vực Bắc Trung Bộ với chức
năng đầu mối xuất, nhập khẩu, tập kết, trung chuyển, phân phối, vận chuyển hàng
hóa và dịch vụ.
Thứ sáu, tập trung thực hiện
cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản
lý nhà nước lĩnh vực công thương.
Sau 01 năm nỗ lực thực hiện
đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, lĩnh vực
công nghiệp, thương mại đạt được một số kết quả:
Về lĩnh vực
công nghiệp,
ngành công nghiệp tỉnh Nghệ An có sự phục hồi mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào
tăng trưởng kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 10,87% so với năm
2023, giá trị gia tăng đạt 22.665 tỷ đồng, vượt 7,3% kế hoạch. Giá trị tăng thêm ngành
công nghiệp (giá so sánh) ước đạt 22.665 tỷ đồng, tăng 15,82%/năm 2023; vượt
7,3%/KH năm 2024 (KH giao 21.127-21.311 tỷ ). Cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo
hướng tích cực, với tỷ trọng ngày càng lớn của các ngành có giá trị gia tăng
cao và kim ngạch xuất khẩu lớn, trong khi công nghiệp khai thác dần thu hẹp.
Ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất linh kiện
điện tử và phụ tùng ô tô. Một số dự án sản xuất linh kiện, phụ kiện và nguyên vật
liệu mới đi vào hoạt động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Nghệ
An đang từng bước hình thành trung tâm sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ
cao tại khu vực Bắc Trung Bộ. Các ngành công nghiệp trọng điểm như dệt may và
da giày tập trung vào các khâu có giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ sản
xuất thông minh nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Trong khi đó, ngành chế biến nông -
lâm - thủy sản phát triển theo hướng gắn với vùng nguyên liệu, thu hút doanh
nghiệp đầu tư vào sản xuất dược liệu, ván MDF, tre ghép, góp phần nâng cao hiệu
quả kinh tế.

Sở Công Thương thường xuyên tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, quảng bá thương hiệu sản phẩm trong tỉnh
Bên cạnh đó, việc quản lý
và phát triển cụm công nghiệp tiếp tục được chú trọng. Sở Công Thương triển
khai thực hiện Nghị định số 32/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển
cụm công nghiệp, tăng cường kiểm tra tiến độ các dự án đầu tư và tháo gỡ khó khăn
cho doanh nghiệp. Các chương trình xúc tiến đầu tư được tăng cường tổ chức nhằm
thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. Tham mưu UBND tỉnh
ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để đảm bảo phát triển
bền vững và hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 26 CCN đã được thành lập
trong đó có 23 cụm công nghiệp đã hoạt động, thu hút được 266 dự án đầu tư sản
xuất kinh doanh, tạo việc làm cho khoảng 25.689 lao động địa phương, tỷ lệ lấp
đầy trung bình của các CCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 75%, năm
2024 tổng doanh thu của các dự án đầu tư trong các CCN đạt 4.500 tỷ đồng, nộp
ngân sách 375 tỷ đồng.
Về lĩnh vực
năng lượng,
Sở đã kịp thời triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, ban Thường
vụ Tỉnh ủy về phát triển các dự án năng lượng và các chỉ đạo của Bộ Công
Thương, UBND tỉnh về quản lý hoạt động năng lượng trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo
các đơn vị hoạt động điện lực trên địa bàn tỉnh thực hiện nâng cấp, cải tạo lưới
điện, đảm bảo vận hành an toàn, giảm tổn thất điện năng và nâng cao chất lượng
cung cấp điện đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định cho sản xuất, sinh hoạt trên địa
bàn, kịp thời đáp ứng nhu cầu điện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đặc biệt
kịp thời cấp điện cho các dự án trọng điểm khu công nghiệp, khu kinh tế và các
cơ sở sản xuất quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu
tư. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể
về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và văn bản
triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, bám sát các Bộ ngành trong
công tác điều chỉnh Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII kịp thời tham mưu
UBND tỉnh đề xuất các dự án nguồn điện, lưới điện nhằm đảm bảo sản xuất và sinh
hoạt của nhân dân. Hiện nay, Sở Công Thương tiếp tục rà soát tham mưu UBND tỉnh
báo cáo Bộ Công Thương đề xuất, bổ sung các dự án vào Quy hoạch điện VIII điều
chỉnh. Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh
triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các dự án năng lượng trọng điểm quốc gia
trên địa bàn tỉnh như: dự án LNG Quỳnh Lập 1500MW, dự án đường dây 500kV mạch 3
và các dự án đường dây truyền tải 220kV mua điện từ Lào đảm bảo tiến độ đề ra.
Về lĩnh vực
thương mại, công
tác phát triển hạ tầng thương mại được chú trọng, ban hành và thực hiện Phương
án phát triển hệ thống dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt trên địa bàn tỉnh Nghệ
An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh Nghệ
An thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050; nghiên cứu, xây dựng các chính sách
hỗ trợ đầu tư để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng thương mại như
chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, kho dự trữ,…theo hướng hiện đại tại trung
tâm các huyện, thành phố, thị xã; triển khai có hiệu quả Đề án phát triển hạ tầng
thương mại trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình phát
triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
đã được phê duyệt nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại
trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 371 chợ dân sinh đang hoạt động, 96
siêu thị và 27 trung tâm thương mại.
Khuyến khích phát triển hệ
thống phân phối xanh, tiêu dùng xanh và kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thương
mại; đẩy mạnh liên kết bền vững giữa sản xuất - phân phối - tiêu dùng, tăng sự
hiện diện của sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện môi trường xanh tại
trung tâm thương mại, siêu thị, chợ,..;
Song song với loại hình
thương mại truyền thống, thương mại điện tử được phát triển nhanh chóng phù hợp
với xu thế phát triển của thế giới, góp phần không nhỏ trong việc quảng bá,
phát triển thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm và phục vụ người tiêu dùng không giới
hạn không gian và thời gian. Công tác kết nối cung cầu trong và ngoài nước được
chú trọng và thực hiện linh hoạt, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân,
phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, kích thích sản xuất phát triển. Thực
hiện hỗ trợ các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử (09 đơn vị xây dựng website TMĐT, 03 đơn vị quảng bá,
phát triển thương hiệu trực tuyến, 04 đơn vị mở gian hàng lên các sàn Shopee,
Lazada). Hỗ trợ 21 huyện, thành, thị mở các gian hàng cấp huyện trên sàn giao dịch
TMĐT Nghệ An với hơn 300 sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, sản phẩm ocop… được
đăng tải (giúp mỗi huyện được cộng 10 điểm chuyển đổi số - tiêu chí sản phẩm
OCOP lên sàn; góp phần giúp các HTX, hộ SXKD được xét công nhận sản phẩm OCOP 3
sao); Đến ngày 25/12/2024 đã hỗ trợ được hơn 476 doanh nghiệp và thương nhân
đăng ký thành viên tham gia và thiết lập gian hàng; Thu hút trên 9,8 triệu lượt
truy cập; giới thiệu và chào bán 3.746 các sản phẩm và dịch vụ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt
118.786 tỷ đồng, tăng 26,22% so với năm 2023, tăng 27,73%/KH. Tổng kim ngạch xuất
khẩu ước đạt 3,9 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt trên 3,2
tỷ USD, tăng 31,57% so với năm 2023, vượt 16,6% kế hoạch năm 2024. Tỷ lệ hàng thô, chưa
qua chế biến giảm, tỷ lệ hàng công nghiệp và hàng qua chế biến tiếp tục tăng. Thị
trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Nghệ An liên tục được mở rộng qua các
năm. Đến năm 2024, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu hàng hoá
sang 150 nước và vùng lãnh thổ (tăng 26 thị trường so với năm 2023).
Thời gian tới, để góp phần
thực hiện thắng lợi Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngành Công Thương tiếp
tục tập trung thực hiện Chương trình hành động số 68-CTr/TU ngày 15/11/2023 của Tỉnh ủy, trong
đó chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
1. Tiếp tục thực hiện Quy hoạch
tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch điện VIII.
2. Thực hiện tốt các cơ chế,
chính sách (đầu tư phát triển hạ tầng CCN, chính sách khuyến công, chính sách
phát triển công
nghiệp hỗ trợ...). Rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các cơ chế chính sách phát
triển ngành Công Thương.
3. Thực hiện Kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành
Công Thương giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
4. Hoàn thiện và triển khai thực hiện “Đề án phát triển Nghệ An trở thành trung
tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về logistics”.
5. Quyết liệt thực hiện công tác chuyển đổi số, phát triển
thương mại điện tử, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất
khẩu, phối hợp kết nối xúc tiến đầu tư.
6. Tăng cường công tác quản
lý nhà nước lĩnh vực công thương, nhất là quản lý nhà nước về CCN, điện lực,
kinh doanh xăng dầu, chợ, trung tâm thương mại, xuất nhập khẩu, khai thác chế
biến khoáng sản…
7. Tiếp tục tăng cường công
tác cải cách hành chính góp phần nâng hạng các chỉ số PCI, PAR INDEX, PAPI vào
vị trí nhóm đầu của cả nước.
Hải
Hậu