image banner
Tăng cường giải pháp thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp
Lượt xem: 63

Năm 2024, trước tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, tổ chỉ đạo tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp của Nghệ An đã nắm bắt tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp, tháo gỡ khó khăn, đóng góp năng lực sản xuất mới tăng thêm của ngành công nghiệp.

Công nghiệp chuyển biến tích cực

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng sản xuất công nghiệp chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp từng bước phục hồi, đẩy mạnh tái sản xuất, mở rộng quy mô kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. 9 tháng đầu năm 2024, khai thác đá xây dựng đạt 4.200 nghìn m3, tăng 81,75% so với cùng kỳ và đạt 72%/kế hoạch năm 2024.

Hoạt động du lịch đã phát triển trở lại. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát và cắt giảm chi tiêu nên giá thành rẻ là cơ hội để các loại bia nội tỉnh cạnh tranh với các loại bia nhập khẩu và các dòng bia cao cấp, ước đạt 185 triệu lít, tăng 105% so với cùng kỳ và đạt 70,27% kế hoạch năm 2024. 2 Nhà máy TH Truemilk và Vinamilk đều duy trì tốt thị trường tiêu thụ và phát huy tốt các dây chuyền mới mở rộng, nên 9 tháng đầu năm đạt 260 triệu lít, tăng 55,04% so với cùng kỳ, đạt 74,29% kế hoạch năm 2024.

Giá đường thế giới tăng cao, nguồn cung đường từ Ấn Độ và Thái Lan giảm mạnh, năng suất mía tăng lên và diện tích vùng nguyên liệu mía được giữ ổn định nên 9 tháng ước đạt 101.176 tấn, tăng 19,84%.

Đối với lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may, da giày, một số nhà máy như: Nakano, Koyu Textile, Matsouka Thanh Chương, Gaiwat Việt Nam đã đi vào hoạt động ổn định. Tại các doanh nghiệp như Minh Anh Kim Liên, Hi-Tex, Sangwoo, Woin Vina..., đơn hàng tăng và ổn định nên 9 tháng đầu năm quần áo các loại đạt trên 80 triệu sản phẩm, tăng 76,1%.

Anh-tin-bai

 Sản phẩm gỗ nén xuất qua cảng Cửa Lò. 

Đặc biệt, mặt hàng linh kiện điện tử có sự tăng trưởng vượt bậc. Sản xuất linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô ước tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 do các dự án sản xuất linh kiện điện tử trên địa bàn tỉnh ổn định sản xuất, các dự án mới đi vào hoạt động, bắt đầu sản xuất sản phẩm ra thị trường: Công ty TNHH Luxshare ICT Việt Nam mở rộng dây chuyền sản xuất, Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và thiết bị chính xác Goertek đi vào hoạt động chạy thử.

Xu hướng đầu tư dịch chuyển mạnh sang lĩnh vực kỹ thuật số, các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực kỹ thuật số đang phát triển nhanh và thay đổi bản chất của đầu tư xuyên biên giới là cơ hội để Nghệ An tiếp tục thu hút các dự án công nghiệp trong lĩnh vực điện tử, công nghiệp công nghệ cao.

Nhận định tình hình chính trị, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm; nhu cầu các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam tiếp tục suy giảm… ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân. Chính vì thế, Chính phủ và các bộ ngành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành, các cấp đều quan tâm vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp với tinh thần trách nhiệm cao ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư… tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuận lợi.

Bà Trần Thị Mỹ Hà – Trưởng phòng quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần được hỗ trợ tháo gỡ liên quan đến quy hoạch sử dụng đất; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; vướng mắc về cơ chế, chồng chéo các quy định; vướng mắc về thủ tục đầu tư; một số dự án chậm tiến độ thực hiện... Sở Công Thương - cơ quan Thường trực Tổ chỉ đạo tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp của tỉnh đã tổ chức làm việc với các doanh nghiệp và các địa phương như: Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Quỳ Hợp, Quế Phong, Diễn Châu, Yên Thành, Tân Kỳ, Đô Lương, Nghi Lộc và các doanh nghiệp trong KCN VSIP Nghệ An, KCN WHA Zone 1… để nắm bắt tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp, công tác quản lý cụm công nghiệp và những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn

Năm 2024, Nghệ An tiếp tục đặt mục tiêu vào tốp 10 địa phương thu hút FDI cao của cả nước. Hiện nay, tỉnh đang gấp rút hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng để triển khai Khu công nghiệp VSIP Nghệ An II diện tích 500 ha (tại Khu công nghiệp Thọ Lộc, Diễn Châu) và Khu công nghiệp Hoàng Mai II diện tích hơn 334 ha (tại thị xã Hoàng Mai) để sẵn sàng đón các nhà đầu tư.

Chia sẻ giải pháp thúc đẩy sản xuất, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương, Tổ phó tổ công tác chỉ đạo tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp, cho biết: Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ các dự án sớm đi vào hoạt động, góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng công nghiệp trong điều kiện dự báo thị trường thế giới còn diễn biến phức tạp, các cấp chính quyền cần tập trung hỗ trợ các thủ tục pháp lý về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường,…

Anh-tin-bai

Sản xuất tại Công ty TNHH dệt may Sangwoo ở Khu Công nghiệp VSIP, Hưng Nguyên 

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa các dự án dự kiến hoàn thành đi vào hoạt động trong năm 2024 đóng góp năng lực sản xuất mới tăng thêm của ngành công nghiệp. Chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương tập trung phát triển các vùng nguyên liệu đảm bảo đầu vào ổn định cho các nhà máy chế biến đường, nhà máy chế biến gỗ, chế biến chè, chế biến sữa, chế biến cá hộp… Khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi, hạ tầng dịch vụ logistics và hỗ trợ tín dụng đáp ứng nhu cầu công nghiệp chế biến.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ: Hướng dẫn, phổ biến các Hiệp định thương mại tự do để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thông tin xuất, nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ sản phẩm; Tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, gặp gỡ các tham tán thương mại để khai thác thị trường mới; Ứng dụng thương mại điện tử, quảng bá và phát triển thương hiệu. Thúc đẩy phát triển các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ nội địa, đẩy mạnh giải ngân các gói đầu tư công… để kích cầu các sản phẩm công nghiệp của tỉnh.

Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư mua sắm thiết bị, đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất thông qua chính sách khuyến công; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ để tham gia cao hơn, sâu hơn vào chuỗi giá trị. Tăng cường hỗ trợ khởi nghiệp, ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho vay đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa.

     

Thông báo
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ CÔNG THƯƠNG
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở

Trụ sở: Số 70 - Nguyễn Thị Minh Khai - Vinh - Nghệ An
Điện thoại: (0238)3 844 970 - Email: ct@nghean.gov.vn