Sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả là nền tảng cho phát triển bền vững
Theo Ðề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện
lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện
VII điều chỉnh), từ nay đến năm 2030, ngành năng lượng phải đáp ứng đủ nhu cầu
tiêu thụ điện cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đất nước với mức tăng
trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm. Cũng theo kịch bản này, nhu cầu điện thương
phẩm các năm 2020, 2025 và 2030 sẽ tương ứng 235 tỷ kW giờ, 352 tỷ kW giờ và
506 tỷ kW giờ.
Đổi mới công nghệ theo hướng hiệu quả về sử dụng năng lượng, bảo vệ
môi trường
Tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện toàn quốc trong
các giai đoạn tới mặc dù sẽ giảm đáng kể so với trước đây nhưng vẫn ở mức rất
cao nếu so sánh với các nước trên thế giới, cụ thể 10,6%/năm (giai đoạn 2016 –
2020), 8,5%/năm (giai đoạn 2021-2025) và 7,5%/năm (giai đoạn 2026 – 2030). Nếu
tổng công suất lắp đặt của toàn hệ thống hiện nay là khoảng 54 nghìn MW (gồm cả
năng lượng tái tạo) thì đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 60 nghìn MW và dự kiến lên đến
129.500 MW vào năm 2030.
Nhìn vào biểu đồ nhu cầu sử dụng và tiêu thụ điện
trong những năm tới, có thể thấy rằng đây là một thách thức không hề nhỏ đặt ra
với ngành năng lượng trong việc bảo đảm thu xếp và huy động nguồn vốn đầu tư rất
lớn để mở rộng, nâng cấp lưới điện truyền tải, phân phối, đầu tư, phát triển
nguồn điện mới cũng như cung ứng đủ các nguồn năng lượng sơ cấp cho các nhà máy
điện.
Theo giới chuyên gia, để đạt được mục tiêu tiết
kiệm từ 8 – 10% tổng năng lượng tiêu thụ so với kịch bản phát triển bình thường
đến năm 2030, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, rất
cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp tại địa phương vì đây là yếu tố mang
tính quyết định.
Những chính sách căn cơ, mục tiêu rõ ràng
Năng lượng có vai trò đặc biệt đối với sự phát
triển kinh tế – xã hội của đất nước, chính vì vậy, những năm qua, Đảng và Nhà
nước đặc biệt coi trọng khâu cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng trong
chính sách phát triển bền vững ngành năng lượng nói riêng và an ninh năng
lượng quốc gia nói chung, coi đó là một thành tố chủ chốt trong phát triển bền
vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước. Mục tiêu đặt ra là phải tiết
kiệm từ 8 – 10% lượng năng lượng cần thiết để phát triển đất nước theo kịch bản
phát triển bình thường, tương đương với khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi. Quan
trọng hơn, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thay đổi hành vi, thói quen của
mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong việc sử dụng năng lượng tiết
kiệm, hiệu quả vì sự phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai.
Trên thực tế, từ nhiều năm qua, với vai trò là
cơ quan quản lý ngành, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, từ
tư vấn xây dựng chính sách, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, công nghệ đến đẩy mạnh
thông tin tuyên truyền và đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể, giai đoạn
2006 – 2015, Việt Nam tiết kiệm khoảng 16 triệu tấn dầu quy đổi, tương đương với
khoảng 103,7 tỷ kWh điện.
Mặc dù đã đạt được kết quả nhất định, song theo
đánh giá của nhiều chuyên gia, việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam, đơn cử như
trong khối doanh nghiệp, vẫn còn nhiều lĩnh vực có mức thâm dụng năng lượng lớn.
Chi phí năng lượng đối với nhiều ngành/lĩnh vực sản xuất công nghiệp chiếm hơn
60% giá thành sản phẩm. Nguyên nhân, nhiều doanh nghiệp đang sử dụng máy móc,
thiết bị cũ, lạc hậu, không hiệu quả về mặt sử dụng năng lượng bên cạnh việc hạn
chế về năng lực tài chính để có thể chuyển đổi công nghệ, kỹ thuật, thay thế
thiết bị dây chuyền cũ, lạc hậu bằng dây chuyền mới hiệu quả hơn.
Tại Việt Nam, nghiên cứu gần đây của Ngân hàng
Thế giới và Bộ Công Thương về khả năng phân bổ mục tiêu quốc gia về tiết kiệm
năng lượng cho các địa phương của Việt Nam cho thấy, 63 tỉnh/thành phố trực thuộc
trung ương có thể chia thành 7 nhóm địa phương với mục tiêu tiết kiệm năng lượng
khác nhau căn cứ vào đặc điểm tương đồng về tiềm năng tiết kiệm năng lượng, cơ
cấu kinh tế, đặc điểm dân cư… Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương cùng với các địa
phương xác định mục tiêu hàng năm và giai đoạn cho từng tỉnh, thành phố gắn
trách nhiệm của người đứng đầu địa phương đối với việc đảm bảo thực hiện mục
tiêu đã được thống nhất xác định.
Kỳ vọng đột phá về cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng của Việt
Nam thông qua Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
giai đoạn 2019 – 2030
Ngày 13 tháng 3 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ
đã ban hành Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
giai đoạn 2019-2030 tại Quyết định số 280/QĐ-TTg. Chương trình quốc gia đặt ra
hai mục tiêu với trọng tâm cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng tại tất cả
ngành/lĩnh vực của Việt Nam, tạo tiền đề đưa ngành năng lượng Việt Nam phát triển
bền vững, ổn định, phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng,
an ninh của đất nước. Mục tiêu đầu tiên của Chương trình quốc gia là tiết kiệm
từ 8 -10% lượng năng lượng cần thiết để phát triển đất nước theo kịch bản phát
triển bình thường. Mục tiêu thứ hai là thay đổi hành vi sử dụng năng lượng của
cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và trách
nhiệm.
Để thực hiện các mục tiêu trên, theo giới
chuyên gia có 03 giải pháp nền tảng mà Việt Nam cần phải kiên trì áp dụng là:
(i) Lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng
năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế.
Thay đổi cấu trúc nền kinh tế theo hướng hài hòa, bền vững, hạn chế tiến tới loại
bỏ việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa vào tiêu thụ năng lượng. Cần xem xét lại
nhu cầu phát triển và cơ cấu tiêu thụ năng lượng của từng ngành, từng lĩnh vực
để định hình cấu trúc kinh tế quốc gia ít hoặc hạn chế phát triển dựa vào tiêu
thụ năng lượng.
(ii) Lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng
năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong kế hoạch chiến lược đổi mới công nghệ, kỹ
thuật quốc gia. Đổi mới công nghệ phải gắn chặt với yếu tố sử dụng năng lượng
tiết kiệm và hiệu quả, tiết kiệm điện. Không nhập khẩu những công nghệ, thiết bị
lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, tiêu thụ điện cao vào Việt Nam. Xây dựng lộ
trình thay thế công nghệ, kỹ thuật, máy móc, thiết bị cũ có hiệu suất sử dụng
năng lượng, sử dụng điện thấp.
(iii) Lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng
năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào chiến lược về xây dựng và phát triển văn
hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tiết kiệm
điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải trở thành đặc điểm văn minh
của con người Việt Nam mới. Hoạt động tuyên truyền, đào tạo, cải thiện nhận thức
của cá nhân, cộng đồng về tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu
quả phải gắn chặt với việc phát triển con người Việt Nam nhằm xây dựng một xã hội
mới có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia, với các thế hệ mai sau
trong bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng.
Cùng với Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và
hiệu quả được ban hành năm 2010, Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ
Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam
đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 7/5/2020 của Thủ
tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 – 2025, sự ra đời
và triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
giai đoạn 2019 – 2030 cho thấy tầm nhìn chiến lược và chính sách nhất quán của
Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam tới lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm
và hiệu quả.
Theo: Cổng TTĐT Bộ Công Thương