Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ: Giải pháp cho các doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Nghệ An
Sự hình thành và phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới, tập trung chủ yếu vào sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano…Trong bối cảnh đó ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng với quy mô nhỏ và vừa áp dụng khoa học công nghệ (KHCN) còn rất hạn chế sẽ có thể đứng trước nhiểu thách thức trong thời gian sắp tới.
Hiện nay theo khảo sát cho thấy Công nghệ trong sản xuất CNHT nói chung, tại Nghệ An nói riêng chậm phát triển, phần lớn máy và công cụ của các Doanh nghiệp (DN) CNHT ở Nghệ An phải nhập khẩu, nhưng một số công nghệ còn lạc hậu so với công nghệ của thế giơi, đặc biệt là công nghệ trong các ngành sản xuất cơ khí. Sản xuất CNHT với đặc thù là phải tích hợp được với việc chế tạo, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh nên đòi hỏi DN CNHT liên kết chặt chẽ với DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Hơn nữa, ở nước ta nói chung và Nghệ An nói riêng các tổ chức nghiên cứu công nghệ như các viện công nghệ, trường đại học chưa gắn kết được với các DN trong việc chuyển giao công nghệ.
Hầu hết các máy móc trong ngành CNHT cơ khí chế tạo là các máy cũ hàng bãi
Nguyên nhân chính là do chính sách đầu tư phát triển khoa học công nghệ chưa có cơ chế ràng buộc giữa các DN với các viện, trường. Mặc dầu, khi Việt Nam tham gia các tổ chức thương mại cũng đã thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể ngay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thu hút được các DN FDI có tiềm lực lớn như luxshare, juteng, BSE,… nhưng các DN CNHT cũng như nhà đầu tư nước ngoài đang gặp phải những bất cập. Quá trình chuyển giao công nghệ từ các DN nước ngoài, DN FDI sang cho các DN CNHT Việt Nam hiện đang là một thách thức lớn, bởi nếu chỉ là chuyển giao công nghệ bình thường sẽ không tạo ra quan hệ thương mại dài hạn và chưa góp phần làm giảm chi phí sản xuất. Do đó, quan trọng nhất trong quá trình hợp tác vẫn là tạo ra được chuỗi giá trị mới cho DN hai bên, thông qua quá trình chuyển giao công nghệ.
Mặc dù, nhận thức của mỗi DN trong việc ứng dụng khoa học công nghệ là tích cực, nhưng việc thực sự ứng dụng được lại gặp những khó khăn trở ngại. cho nên việc áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất của các DN đang ở mức hạn chế, do nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân đến từ sự hạn chế về nguồn vốn đầu tư cho khoa học công nghệ, về khả năng ứng dụng vào sản xuất, còn nguyên nhân từ phía Nhà nước là sự trợ giúp các DN trong việc tiếp cận với các công nghệ phù hợp với khả năng của DN thông qua những nghiên cứu cấp Nhà nước hay những hỗ trợ tìm kiếm công nghệ phù hợp cho điều kiện các DN mà Bộ Khoa học công nghệ có nhiều khả năng tiếp cận được thông qua các hội thảo, các hội chợ công nghệ trên thế giới.
Cần nhiều giải pháp về KHCN hơn nữa để ngành CNHT phát triển
Nhìn chung để phát triển KHCN trong sản xuất CNHT cần tập trung vào một số giải pháp sau đây:
- Tăng cường khả năng thực thi các chính sách hỗ trợ về KHCN cho các DN sản xuất CNHT bằng cách ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn chi tiết hơn. Thông qua các hoạt động của Trung tâm, các hội nhóm DN CNHT để đưa các chính sách gần hơn với DN bằng các biện pháp trao đổi thông tin, hỗ trợ, tư vấn các điều kiện cần thiết để các DN tiếp cận chính sách.
- Tạo điều kiện để tiếp nhận các chuyên gia, các tiến bộ KHCN từ các nước có ngành CNHT phát triển mạnh như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…, nhằm cung cấp các dịch vụ cũng như là hướng dẫn về công nghệ mới, đào tạo, nâng cao trình độ về KHCN cho đội ngũ lãnh đạo DN.
- Các trường nghề cần nâng cao về cơ sở vật chất cũng như chuyên môn để cung cấp cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành CNHT để bắt kịp với các xu hướng KHCN mới tiên tiến, đặc biệt chú trọng vào các ngành sản xuất khuôn đúc, linh kiện điện tử, linh phụ kiện nhựa, kim loại. Tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực với các công ty, tập đoàn lớn như samsung; nâng cao tính liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sản xuất, giữa các DN sản xuất trong nước và nước ngoài./.