Đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2%, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng
Chiều ngày 28/11/2024
tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Tờ trình; Báo cáo thẩm tra và thảo luận tại hội
trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội
về giảm thuế giá trị gia tăng
Trình bày tờ trình về dự thảo
Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), Phó Thủ tướng
Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, trong giai đoạn 2022-2024, Quốc hội đã quyết
nghị giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp
dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ
sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng
khoán, bảo hiểm…
Chính sách giảm thuế GTGT 2% đã góp
phần giúp giảm giá thành thông qua doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh
doanh hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT dẫn đến giảm giá bán của hàng hóa,
dịch vụ cho người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh
nghiệp, tiêu dùng của người dân, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người
lao động...
Bên cạnh những kết quả đạt được
là cơ bản, nước ta còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn,
thách thức. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn; chi phí sản xuất
còn cao; sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại. Tổng cầu tiêu dùng trong
nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Phó Thủ tướng, để góp phần
tạo động lực thúc đẩy, phát triển cho nền kinh tế, cần tiếp tục thực hiện chính
sách giảm thuế GTGT.
Cụ thể: Giảm 2% thuế suất thuế
GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn
8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin,
hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản,
kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai
thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và
dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thời gian áp dụng: Từ ngày 01/01/2025 đến
hết ngày 30/6/2025.
Trình bày báo cáo thẩm tra về nội
dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Lê Quang
Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với sự cần thiết ban
hành Nghị quyết để tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế GTGT, góp phần giảm
giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó có thể kích cầu tiêu dùng, duy trì
việc làm cho người lao động, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp tục duy trì đà
phục hồi và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho
ngân sách nhà nước và nền kinh tế..
Đối với thời hạn áp dụng chính
sách, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc
tiếp tục cho phép áp dụng chính sách từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 30/6/2025.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho
rằng, việc đề xuất ban hành và thực thi chính sách giảm thuế GTGT trong thời
gian qua được thực hiện tương đối ngắn hạn, phần nào thể hiện chất lượng của
công tác dự báo và tầm nhìn của việc đề xuất ban hành chính sách, làm ảnh hưởng
đến sự chủ động của doanh nghiệp trong hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh
doanh...
Do đó, để hướng tới sự ổn định và
tính dự báo của hệ thống chính sách thuế GTGT đồng thời, bảo đảm đồng bộ với
hiệu lực thi hành dự kiến đang được quy định trong dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa
đổi), đề nghị Chính phủ bảo đảm thời hạn chấm dứt hiệu lực thực hiện của chính
sách giảm thuế GTGT như được trình tại kỳ họp này, không tiếp tục đề nghị kéo
dài thời gian thực hiện của chính sách.
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị
áp dụng chính sách trong năm 2025, bảo đảm chính sách đủ thời hạn để hỗ trợ sản
xuất, kinh doanh, tránh việc đề xuất gia hạn chính sách./.