Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/03/2020 của Chính phủ về kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW trong lĩnh vực ngành Công Thương

Lĩnh vực phát triển năng lượng

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 22 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động với tổng công suất 934,9 MW (gồm: Bản Vẽ, Hủa Na, Khe Bố, Bản Cánh, Bản Cốc, Sao Va, Nậm Pông, Bản Ang, Nậm Mô, Nậm Nơn, Chi Khê, Đồng Văn, Ca Lôi, Nậm Cắn 2, Ca Nan 1, Ca nan 2, Châu Thắng, Xoỏng Con, Nhạn Hạc A+B, Sông Quang, Khe Thơi, Nậm Giải).

Quy hoạch điện VIII tỉnh Nghệ An có dự án Nhà máy điện gió Nam Đàn với công suất 70MW, điện mặt trời có 2 dự án điện mặt trời nối lưới Nhà máy điện mặt trời nổi hồ Vực Mấu (160MW), Nhà máy điện mặt trời hồ Khe Gỗ (200MW), điện sinh khối đồng phát có nhà máy điện sinh khối Quỳ Hợp với công suất 10MW.  Điện mặt trời áp mái đến nay tổng công suất lắp đặt điện mặt trời áp mái 91,574 MWp. Điện khí đang triển khai thực hiện dự án LNG Quỳnh Lập với công suất 1.500MW tại Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai

 

Anh-tin-bai

 

Khu vực triển khai dự án nhiệt điện khí LNG Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai

Lĩnh vực phát triển công nghiệp

Lĩnh vực công nghiệp ven biển phát triển nhanh trên các lĩnh vực, tập trung chủ yếu trong các khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Đông Nam, các cụm công nghiệp. Cụ thể:

- Công nghiệp điện tử, bán dẫn đã thu hút được những dự án quy mô lớn, từng bước hình thành trung tâm sản xuất thiết bị điện tử, thiết bị công nghệ cao trong khu vực Bắc Trung Bộ; một số dự án đi vào hoạt động đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết nhiều việc làm, như: Dự án Luxshare - ICT 140 triệu USD; Goertek 500 triệu USD; Ju Teng 200 triệu USD; Everwin 200 triệu USD); Foxxcon 100 triệu USD; Runery 440 triệu USD; Sunny 150 triệu USD...

- Công nghiệp chế biến khoáng sản: Chủ yếu thu hút một số dự án đầu tư chế biến bột đá trắng siêu mịn trong Khu công nghiệp Nam Cấm thuộc Khu kinh tế Đông Nam và các cụm công nghiệp, như: Công ty khoáng sản OMYA; Nhà máy chế biến đá vôi trắng, Nhà máy sản xuất bột đá và bột bả tường, Công ty Cổ phần bột đá vôi trắng siêu mịn Nghệ An, Công ty CP khoáng sản Miền Trung, Công ty CP khoáng sản Á Châu, Công ty Cổ phần khai thác khoáng sản Hà An Phát,…

- Công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản, thực phẩm:

+ Chế biến lâm sản: ngày càng phát triển theo hướng gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu và các mô hình lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao thu hút nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư nhất là lĩnh vực sản xuất ván MDF, ván ghép thanh, tre ghép… khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường trong nước và xuất khẩu gắn đổi mới công nghệ sản xuất và chuyển đổi số. Khu chế biến lâm sản gắn với Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ khu vực Bắc Trung Bộ tại Nghệ An đang tiếp tục triển khai các thủ tục đầu tư. Đã thu hút được một số doanh nghiệp chế biến ván dán, ván ghép thanh trong KCN Nam Cấm, gồm: Nhà máy gỗ ván dán Thế Giới Gỗ; 02 dự án sản xuất viên nén sinh khối gồm Nhà máy biomass Fuel, Nhà máy của Công ty Cổ phần năng lượng DKC; 01 dự án chế biến nhựa thông tại KCN Hoàng Mai 1…

+ Chế biến thủy sản: Đã thu hút đầu tư 02 nhà máy chế biến cá hộp của tập đoàn Royal Foods công suất 150 tấn cá/ngày; 01 nhà máy chế bột cá tại xã Diễn Hùng của Công ty TNHH chế biến phụ phẩm Xuri Việt Trung, công suất 150 tấn nguyên liệu/ngày; sản xuất nước mắm đạt 150 triệu lít/năm (Nhà máy Masan, Công ty Vạn Phần, Công ty CP thủy sản Cửa Hội, Công ty CP thủy sản 339,…); 03 nhà máy chế biến hàng đông lạnh xuất khẩu nhưng sản lượng không ổn định. Xây dựng 14 khu chế biến thủy sản tập trung với tổng diện tích 78.83 ha tạo nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn hoạt động ổn định.

+ Sản xuất thức ăn chăn nuôi: Đã thu hút một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền chế biến thức ăn gia súc có quy mô như: Nhà máy thức ăn gia súc Gà Vàng (Quỳnh Lưu); Nhà máy chế biến gia súc Con heo Vàng; Nhà máy chế biến thức ăn gia súc của Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp liên doanh với đối tác Trung Quốc; Nhà máy thức ăn chăn nuôi Đặc khu Hope; Nhà máy thức ăn chăn nuôi ANCO; Nhà máy thức ăn chăn nuôi Austfeed; Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Tập đoàn Cargill;…

+ Chế biến sữa, bánh kẹo: Nhà máy chế biến sữa Vinamilk Nghệ An tại Cửa Lò công suất 92,5 triệu lít/năm; 02 nhà máy sản xuất bánh kẹo công suất 40.000 tấn/năm gồm Nhà máy bánh kẹo Tràng An và Nhà máy bánh kẹo Hải Châu 2.

- Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: Nghệ An là một trong những tỉnh sản xuất xi măng trọng điểm của cả nước, trên địa bàn ven biển hiện có một số nhà máy xi măng lớn như: Nhà máy xi măng Hoàng Mai, Trạm nghiền của Tập đoàn The Vissai tại Nghi Thiết; Nhà máy xi măng Hoàng Mai 2…. Thu hút các dự án sản xuất gạch không nung sử dụng công nghệ tái chế vật liệu từ tro xỉ, xỉ thải, mạt đá tại địa bàn các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai; sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng công nghệ mới như gạch ốp lát tấm lớn, sản xuất ngói màu (dự án Khu liên hợp sản xuất Vật liệu xây dựng công nghệ cao Nghi Văn của Công ty Cổ phần Trung Đô)

- Sản xuất đồ uống: Khu vực ven biển có 02 nhà máy bia gồm Nhà máy Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh công suất 50 triệu lít/năm và Nhà máy bia Hà Nội Nghệ An công suất 50 triệu lít/năm; 01 dây chuyền sản xuất nước tinh khiết đóng chai Thiên Nhẫn của Tổng Công ty CP Vật tư Nông nghiệp.

- Ngành công nghiệp dệt may, da-giày: Đến nay, trên địa bàn các huyện ven biển đã thu hút 22 dự án sản xuất gia công hàng may mặc, sản xuất giày dép đi vào hoạt động: Năng lực sản xuất sản phẩm may mặc hàng năm đạt khoảng 50 triệu SP/năm da giày công suất 18 triệu SP/năm, Sợi 18.000 tấn/năm. Một số dự án quy mô lớn như: Dự án sản xuất giày da Viet Glory tại xã Diễn Trường, Diễn Châu; Nhà máy may Nam Thuận Nghệ An (Diễn Mỹ, Diễn Châu); Nhà máy May Minh Anh, Kim Liên (KCN Bắc Vinh, TP Vinh); Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan (TP Vinh); Nhà máy may Vinatex Hoàng Mai (thị xã Hoàng Mai); Nhà máy may Hanosimex (Nghi Lộc) 1 triệu sản phẩm/năm; Nhà máy may Quang Vinh công suất 2 triệu sản phẩm (tại Nghi Liên, TP Vinh), Nhà máy may Matsouka, Nhà máy may Koyu Textile, …. Các dự án may mặc và da giày góp phần phát triển kinh tế các địa phương ven biển, gắn với nguồn lao động tại chỗ, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động.

- Về phát triển công nghiệp cơ khí, kim khí, luyện kim: Có 02 dự án quy mô lớn sản xuất ống thép và tôn cuộn của Tập đoàn Hoa Sen đạt năng lực sản xuất hàng năm khoảng 750.000 tấn các loại. 03 dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô trong KCN Nam Cấm, KCN WHA và KCN Hoàng Mai I. Đã thu hút được một số dự án quy mô lớn như: Dự án sản xuất hợp kim nhôm của Công ty TNHH Innovation Precision Việt Nam 100.000 tấn/năm (165 triệu USD); Dự án Nhà máy khoa học kỹ thuật kim loại Tân Việt sản xuất thép tấm, thép không gỉ ông suất 260.000 tấn/năm vốn đầu tư 125 triệu USD.

 

Anh-tin-bai

 

Dự án sản xuất hợp kim nhôm của Công ty TNHH Innovation

Precision Việt Nam 100.000 tấnnăm (165 triệu USD)

- Về phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp: trên địa bàn các huyện ven biển, quy hoạch gồm: 01 KKT Đông Nam diện tích trên 20.776 ha, 01 KCN Bắc Vinh 53 ha và 19 cụm công nghiệp (bao gồm: Thành phố Vinh 05 cụm, Nghi Lộc 03 cụm, Diễn Châu 04 cụm, Quỳnh Lưu 07 cụm). Sau 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND Sở Công Thương đã chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ là 28.566 triệu đồng cho các công trình gồm: Hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Thượng Sơn (huyện Đô Lương); hệ thống thu gom, hồ chứa nước thải sau xử lý cho Cụm công nghiệp Trường Thạch (huyện Nghi Lộc); đường giao thông vào Cụm công nghiệp Quỳnh Châu (huyện Quỳnh Lưu) và Cụm công nghiệp Châu Quang (huyện Quỳ Hợp). Các cụm công nghiệp ven biển đã thu hút 101 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vào đầu tư sản xuất kinh doanh, đóng góp vào ngân sách tỉnh hàng năm trên 300 tỷ đồng.

- Chương hỗ trợ trình khuyến công từ năm 2020 đến nay, Sở Công Thương đã hỗ trợ nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất cho 58 cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, công ty, hợp tác xã với tổng kinh phí là 10.145 triệu đồng. Máy móc, thiết bị được hỗ trợ đầu tư ứng dụng vào sản xuất, chế biến đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; giảm tiêu hao nguyên liệu, giảm bớt công đoạn thủ công, giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao sức cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm. Đồng thời giúp lan tỏa mô hình sản xuất công nghiệp hiện đại tới các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Về phát triển hạ tầng thương mại

- Hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh trong năm qua đã có bước phát triển khá, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu của sản xuất và đời sống góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An. Nhiều dự án hạ tầng thương mại đã được đầu tư và đi vào hoạt động như Trung tâm Thương mại kết hợp chợ truyền thống Đô Lương - huyện Đô Lương, Chợ Kim Sơn - huyện Quế Phong, Chợ Quỳnh Thiện – thị xã Hoàng Mai, TTTM Vincom+ tại huyện Nam Đàn và Thị xã Thái Hòa, TTTM City Hub, Vinh Center, chuỗi cửa hàng Winmart+…

- Phương thức hoạt động, công nghệ quản lý và điều hành kinh doanh của các loại hình hạ tầng thương mại dần từng bước phát triển theo hướng văn minh, hiện đại và chuyên nghiệp, đã dần áp dụng phương thức kinh doanh thương mại điện tử góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh.  Đã có sự tham gia của các nhà phân phối ngoài nước vào hệ thống siêu thị, TTTM góp phần chuẩn hóa các tiêu chuẩn cả về hình thức và nội dung tổ chức hoạt động kinh doanh như tại hệ thống siêu thị BigC, MM Mega Market, Lotte…

- Công tác tuyên truyền, hướng dẫn và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, các kế hoạch, quy hoạch, đề án liên quan đến quản lý và phát triển hệ thống hạ tầng thương mại được triển khai thường xuyên. Cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương được chú trọng và đạt kết quả đáng kể. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDATTS&MN trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm, hướng dẫn các địa phương về tiêu chuẩn xây dựng chợ để thực hiện xây dựng, cải tạo nâng cấp chợ thuộc chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN.

Về phát triển xuất khẩu

Thời gian qua, Sở Công Thương đã chủ trì và phối hợp với các Sở, ngành, địa phương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ lĩnh vực logistics và Xúc tiến xuất khẩu, cụ thể: Phối hợp với các đơn vị liên quan về đầu tư hạ tầng giao thông kết nối dịch vụ logistics, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình quan trọng: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An, đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò, đại lộ Vinh - Cửa Lò, mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Vinh; đầu tư xây dựng Ga đường sắt Nghi Long (Nghi Lộc) phục vụ vận tải hàng hóa bằng đường sắt...; tham gia ý kiến tiền khả thi Dự án xây dựng đường cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội đi qua cửa khẩu Thanh Thủy-Nghệ An; kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò đáp ứng tàu container quốc tế vào cập bến, Trung tâm logistics tại Khu kinh tế Đông Nam (khoảng 20ha), Đông Hồi và các khu vực có điều kiện thuận lợi nhằm phục vụ nhu cầu kết nối lưu thông hàng hóa trong tỉnh với các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ, các tỉnh sử dụng chung đường 8, đường 12 ba nước Việt Nam - Lào - Thái Lan...; Tổ chức các Đoàn tham gia các Hội chợ tại các tỉnh, thành phố: TPHCM, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, … và tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn giao thương tại các nước Úc, Newzilan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Philippin, … để giới thiệu và quảng bá các sản phẩm đặc trưng, có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh

Nhưng tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

- Cơ sở hạ tầng kỹ thuật (giao thông, KKT, KCN, cụm công nghiệp, hạ tầng dịch vụ phụ trợ) tuy đã được tăng cường đáng kể, nhưng đầu tư thiếu đồng bộ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp trong thời kỳ mới, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư và tiến độ đầu tư các dự án. Phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường sinh thái (nhất là trên lĩnh vực khai thác khoáng sản, chế biến thực phẩm đồ uống, xây dựng làng nghề) chưa được quan tâm đúng mức; tình trạng ô nhiễm môi trường trong các KCN, CCN, làng nghề vẫn tồn tại, chưa được khắc phục triệt để. Nguồn kinh phí của địa phương dành cho phát triển hạ tầng công nghiệp thương mại còn hạn hẹp. Công tác thu hút đầu tư, huy động nguồn vốn xã hội hóa vào phát triển cơ sở hạ tầng thương mại còn hạn chế, nhất là khu vực nông thôn còn chậm do khả năng thu hồi vốn chậm.

- Đầu tư phát triển hạ tầng thương mại mới chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị, chưa quan tâm và đầu tư đúng mức tại khu vực nông thôn. Trình độ quản lý, vận hành các cơ sở hạ tầng thương mại còn thấp, nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu trong xu thế hội nhập. Một số công trình đầu tư hạ tầng thương mại có quy mô thì tiến độ đưa vào sử dụng còn chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả và thu hút đầu tư. Công tác quản lý nhà nước đối với hạ tầng thương mại còn nhiều bất cập, còn thiếu sự chỉ đạo quyết liệt và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp; Hệ thống chợ, siêu thị chủ yếu thiên về chức năng bán lẻ, hạ tầng thương mại ở khu vực nông thôn, miền núi còn chưa phát triển, cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu kém. Ngoài ra, công tác quản lý chợ còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được giải quyết triệt để, hoạt động quản lý, khai thác, kinh doanh hệ thống chợ nông thôn đạt hiệu quả chưa cao, ảnh hưởng đến phát triển giao thương hàng hóa;

- Công tác quản lý nhà nước đối với hạ tầng thương mại vẫn có sự bất cập, có lúc còn thiếu sự chỉ đạo quyết liệt và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành. Một số công trình hạ tầng thương mại còn chậm đưa vào sử dụng ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn vốn đầu tư như chợ Tân Kỳ…

- Nghệ An không nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của cả nước nên môi trường đầu tư thiếu hấp dẫn. Lợi thế về tài nguyên khoáng sản, nguyên liệu, đất đai và chi phí lao động thấp đã bão hòa. Sự phát triển giữa các địa phương trong vùng còn thiếu tính liên kết phối hợp, cạnh tranh giữa các tỉnh có điều kiện thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu thu hút các dự án có quy mô lớn vào Nghệ An.

- Hệ thống cơ chế chính sách phát triển còn thiếu tính đột phá,... Mức hỗ trợ, ưu đãi đối với các dự án còn thấp so với nhu cầu chính sách hỗ trợ. Thủ tục hành chính lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai còn nhiều bất cập, chậm cải cách thủ tục hành chính; thời gian giải quyết thủ tục đầu tư kéo dài.

- Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn lực, trình độ quản lý và năng lực sản xuất kinh doanh hạn chế, sức cạnh tranh của sản phẩm còn yếu.

Kế hoạch trong thời gian tới

- Tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các nội dung tại Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; Quy hoạch tổng thế về năng lượng Quốc gia và Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 330/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

- Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu theo Kế hoạch số 336/KH-UBND ngày 03/5/2024 của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công thương giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tạo ra bước đột phá trong thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn FDI để phát triển nhanh các ngành có lợi thế cạnh tranh, các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao: Điện tử, cơ khí lắp ráp; chế biến nông-lâm-thủy sản, thực phẩm; năng lượng; hàng tiêu dùng; công nghiệp hỗ trợ....

- Ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, các lĩnh vực cốt lõi về số hóa (công nghệ sinh học; công nghệ nano, in 3D, vật liệu mới); thân thiện với môi trường; phát triển hợp lý các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ. Đảm bảo mục tiêu, định hướng phát triển các khu kinh tế ven biển phù hợp với điều kiện, tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn tỉnh; Đổi mới đồng bộ về cơ chế, chính sách tạo bứt phá trong phát triển bền vững công nghiệp ven biển, bảo đảm giải quyết tốt đồng thời các vấn đề về môi trường, xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, phát triển cơ sở hạ tầng xã hội.

- Tiếp tục ưu tiên thu hút doanh nghiệp làm Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp theo Phương án phát triển cụm công nghiệp tích hợp vào Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, đôn đốc triển khai hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với các cụm công nghiệp đã được lựa chọn doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng; rà soát các cụm công nghiệp do UBND cấp huyện đầu tư để có kế hoạch đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật; chú trọng đầu tư hệ thống xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn,…

- Đẩy mạnh triển khai hỗ trợ các hoạt động: hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến, chuyển giao công nghệ từ nguồn kinh phí khuyến công, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các chính sách phát triển công nghiệp; thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ

- Đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hạ tầng thương mại trong đó tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường giám sát việc tuân thủ các quy trình hành chính minh bạch, công khai nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại; Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác phát triển các hệ thống hạ tầng thương mại.

- Triển khai Kế hoạch số 1022/KH-UBND ngày 25/12/2023 của UBND tỉnh Nghệ An về việc triển khai Nghị quyết số 162/NQ-CP ngày 04/10/2023 của Chính phủ, Chương trình hành động số 68-CTr/TU ngày 15/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

Phùng Mạnh Hùng – Phòng Hỗ trợ và Tư vấn
image advertisement
image advertisement
image advertisement


 TRUNG TÂM TƯ VẤN HỖ TRỢ VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG THƯƠNG

 Địa chỉ: Số 70, đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh, tỉnh Nghệ An

 Điện thoại: (+84-38).3595594

 Email: hotrophattriencongthuongnghean@gmail.com