Điểm nhấn phát triển công nghiệp nông thôn “đặc sản địa phương” của tỉnh Nghệ An để thúc đẩy nâng cấp thành chuỗi
Trong bối cảnh hội nhập và
phát triển kinh tế toàn cầu, việc khai thác và phát huy tiềm năng kinh tế từ các
sản phẩm đặc sản địa phương đang trở thành một chiến lược quan trọng để thúc đẩy
phát triển công nghiệp nông thôn. Nghệ An, với tiềm năng dồi dào về nông sản và
sản phẩm thủ công, đang nỗ lực xây dựng và nâng cấp các sản phẩm “đặc sản địa
phương” trở thành chuỗi giá trị bền vững, góp phần tăng trưởng kinh tế và nâng
cao đời sống người dân. Chìa khóa để phát triển nông thôn nằm ở công nghiệp, sự
cần thiết phải nâng cao trình độ phát triển công nghiệp nông thôn, xây dựng và
quản lý, tăng cường các biện pháp tăng thu nhập cho khu vực nông thôn hiện nay
là nhiệm vụ được đảng, nhà nước quan tâm thực hiện và thúc đẩy toàn diện các
khu vực nông thôn. Để đạt được những thành quả theo từng giai đoạn với việc thể
chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng xuất phát từ nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn
chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng năm năm 2012 về
khuyến công với những mục tiêu như: Phát triển công nghiệp nông thôn nhằm chuyển
dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa
tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp cận cá cơ hội phát triển,
thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Đến hiện nay với tình hình mới thời điểm mới thì Nghị định số 45/2012/NĐ-CP
đang được hoàn thiện để sửa đổi.
Nhìn lại
những năm vừa qua ngay khi chính sách
khuyến công được ban hành được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành sự
phát triển của công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An có những bước
phát triển vững chắc với nhiều điểm nổi bật, với việc mở rộng nhiều chức năng,
khai thác các giá trị đa dạng của nông thôn, làm tốt công tác “đặc sản địa
phương”, tăng cường lãnh đạo, bổ sung chuỗi, phát triển các loại hình kinh
doanh, xây dựng thương hiệu. Thực tế, các nội dung hoạt động khuyến công
đã khẳng định vai trò quan trọng thúc đẩy, động viên, khuyến khích và
huy động các nguồn lực vào đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn như hỗ
trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy
móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp các cơ
sở CNNT đầu tư đúng hướng, hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất
kinh doanh, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Việc
hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn cũng nhanh chóng phát huy
hiệu quả, đầu tư đã đi vào chiều sâu, nếu trước đây chủ yếu chỉ sơ chế hoặc
sản xuất nguyên liệu thô thì dần dần đã chuyển sang chế biến sâu để cho ra các
sản phẩm có chất lượng góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm, tăng giá trị sản
xuất công nghiệp, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Phát triển
các ngành công nghiệp nông thôn đặc trưng
Nghệ An là một tỉnh có diện tích lớn nhất Việt
Nam, với địa hình đa dạng gồm đồng bằng, trung du, và miền núi. Điều này tạo điều
kiện cho sự phong phú về hệ sinh thái nông nghiệp và tiềm năng sản xuất nhiều
loại đặc sản địa phương. Một số sản phẩm nổi bật có thể kể đến như: Cam
Vinh, đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trên cả nước,
cam Vinh không chỉ là một sản phẩm chất lượng mà còn mang đậm dấu ấn địa phương; Tương Nam Đàn, một loại tương truyền thống đặc trưng, có giá trị văn hóa
và kinh tế cao; Lụa và các sản phẩm
thủ công mỹ nghệ, các làng nghề thủ công như dệt
lụa, làm gốm, làm nón cũng là những nét độc đáo của văn hóa sản xuất địa phương…
Hiện nay toàn tỉnh có 223 sản phẩm công nghiệp nông thôn
tiêu biểu cấp huyện, 96 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 26 sản
phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và 16 sản phẩm công nghiệp
nông thôn cấp quốc gia. Sau 6 năm triển khai Chương trình OCOP, toàn tỉnh hiện
có 567 sản phẩm; trong đó, có 529 sản phẩm đạt 3 sao, 37 sản phẩm đạt 4 sao, 01
sản phẩm đạt 5 sao và 02 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, hiện đang hoàn thiện hồ
sơ trình Trung ương đánh giá, công nhận.
Công ty Cổ phần dược liệu Pù Mát giới thiệu sản phẩm tại một
hội nghị
Phát triển các ngành công nghiệp đặc trưng, xây dựng các doanh nghiệp
có lợi thế. Trong xưởng sản xuất của giò bê Đức Tuấn (Khối Xuân Khoa, thị trấn
Nam Đàn, huyện Nam Đàn, Nghệ An) các công nhân mặc quần áo bảo hộ lao động đang
bận rộn di chuyển giữa các bộ máy móc và thiết bị sản xuất giò bê, muốn món giò bê ngon,
quan trọng nhất là khâu chọn thịt, phải chọn phần thịt bắp bê, nguyên miếng,
không tách gân, tách bì, hoặc phần ba chỉ nạc miếng to thăn. Thịt bê phải tươi,
phần bì vàng. Gia vị phải chọn lựa kỹ, tiêu phải thật thơm, tỏi, gừng gọt rửa
sạch và giã nhuyễn... Thịt bê mềm, thơm ngon mà không khô, lớp bì bê giòn kết
hợp với vị đậm đà của gia vị vừa đủ. Giò bê đã là đặc sản của miền quê xứ Nghệ,
ai từng thưởng thức món ăn này sẽ không thể quên hương vị đặc trưng, đậm "chất
Nghệ" của nó, hay công ty Cổ phần dược liệu Pù Mát ở thị trấn Con Cuông,
huyện Con Cuông, Dược liệu Pù Mát là doanh nghiệp khoa học công nghệ trong lĩnh
vực trồng và chế biến dược liệu, nguồn dược liệu quý hiếm nhiều dược tính được
ươm trồng và phát triển trong vùng đệm Rừng Quốc Gia Pù Mát – Khu dự trử sinh
quyển thiên nhiên lớn thế giới lớn nhất Đông Nam Á với các sản phẩm của công ty
đều được sản xuất trên dây chuyền hiện đại theo tiêu chuẩn với các dòng sản
phẩm chính cà gai leo: Giải độc gan, hạ men gan, điều trị viêm gan, giải độc
rượu bia; Dây thìa canh: Ổn định đường huyết – ngăn ngừa biến chứng tiểu đường;
Giảo cổ lam: Hạ huyết áp, giảm mở máu, giảm béo, giảm sạm nám da và nhiều loại
sản phẩm từ 100% dược liệu thiên nhiên quý hiếm khác của công ty đã chiếm lĩnh
thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Hay như sản phẩm mây tre đan
của công ty TNHH Đức Phong là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trên lĩnh vực sản
xuất mây tre đan, hàng năm, Công ty xuất khẩu hàng triệu mặt hàng mây tre mỹ
nghệ, hiện sản phẩm của công ty có mặt khắp cả nước và xuất cho thị trường 34
quốc gia; được các bạn hàng đến từ Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Mỹ,
Nhật Bản, Hàn Quốc... ưa chuộng.
Khắc
phục những tồn tại, đẩy mạnh chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm
Hiện nay nội lực của công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh
còn yếu, năng suất lao động thấp và chậm được cải thiện, năng lực độc lập, tự
chủ thấp, các cơ sở công nghiệp nông thôn chưa đáp ứng được vai trò là một động
lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển, giá trị gia tăng thấp, chưa tham gia sâu vào
chuỗi giá trị, chưa có nhiều cơ sở áp dụng chuyển đổi số, phát triển kinh tế
số, xã hội số trong doanh nghiệp, vẫn còn khoảng cách với các khu vực khác và
so với mục tiêu đề ra.
Tổ chức
sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết chưa đáp
ứng yêu cầu; nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào
tạo nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, chưa trở thành động lực chính để tạo đột
phá phát triển, thu hút đầu tư gắn với liên kết sản xuất chưa hiệu quả. Ngoài
ra chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ
yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung còn thấp. Phát triển
kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại chưa đạt yêu cầu; hiệu quả kết nối và chất
lượng chưa cao; Liên kết vùng còn kém hiệu quả, chưa hình thành được các mô
hình cụm ngành công nghiệp, đặc biệt là các cụm ngành chuyên môn hóa.
Khi sự phát triển công nghiệp nông thôn bước
vào thời kỳ mới, vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả chế biến cần được chú trọng.
Những năm gần đây các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đã
dần chú trọng đến chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao
của thị trường vì thế các cơ sở sản xuất thường xuyên quan tâm đến việc cải tiến
máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất, một số cơ sở bước đầu đã mở rộng được thị
trường ngoài tỉnh và có hướng xuất khẩu.
Các giải pháp thúc đẩy phát triển
chuỗi giá trị đặc sản địa phương
Để khắc phục những thách thức và thúc đẩy việc nâng cấp sản
phẩm đặc sản địa phương thành chuỗi giá trị, việc cần triển khai một số giải
pháp chiến lược hết sức quan trọng đó là:
Tăng cường liên kết sản xuất
theo chuỗi: Chính quyền và các tổ chức
cần đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các hộ sản xuất, hợp tác xã và
doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ. Mô hình hợp tác xã kiểu mới hoặc tổ hợp tác
nông nghiệp có thể giúp nâng cao khả năng tổ chức sản xuất, cải thiện chất lượng
sản phẩm và tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi.
Ứng dụng khoa học công nghệ: Để nâng cao giá trị sản phẩm đặc sản, việc đầu tư vào
công nghệ sản xuất và chế biến là cần thiết. Điều này bao gồm việc sử dụng các
công nghệ tiên tiến trong bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu và cải tiến quy
trình sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra ổn định, đạt tiêu chuẩn an
toàn vệ sinh thực phẩm.
Xây dựng thương hiệu và
marketing sản phẩm: Xây dựng thương hiệu mạnh
cho các sản phẩm đặc sản là yếu tố then chốt để nâng tầm giá trị và mở rộng thị
trường tiêu thụ. Cần chú trọng vào việc quảng bá các sản phẩm đặc sản qua các
phương tiện truyền thông, sự kiện thương mại, hội chợ và triển lãm. Bên cạnh
đó, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý và xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm
đặc trưng sẽ giúp bảo vệ và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường.
Phát triển nguồn nhân lực: Để phát triển công nghiệp nông thôn dựa trên đặc sản địa
phương, nguồn nhân lực là yếu tố then chốt. Nghệ An cần đầu tư vào đào tạo,
nâng cao trình độ kỹ thuật và quản lý cho người lao động tại các cơ sở sản xuất
và doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp họ nắm bắt được các kỹ thuật sản xuất tiên tiến
và có khả năng quản lý, phát triển kinh doanh bền vững.
Hỗ trợ chính sách và tài
chính: Chính quyền địa phương cần tiếp tục có các
chính sách hỗ trợ cụ thể về vốn, ưu đãi thuế và các chương trình khuyến nông,
khuyến công để khuyến khích các hộ sản xuất đầu tư vào nâng cấp công nghệ và mở
rộng quy mô. Đồng thời, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo điều kiện
thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn sẽ giúp đẩy nhanh quá trình phát
triển chuỗi giá trị đặc sản.
Phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương thành chuỗi
giá trị không chỉ giúp tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo tồn văn
hóa và phát triển kinh tế nông thôn bền vững. Trong tương lai, cần chú trọng
vào việc liên kết sản xuất với du lịch nông thôn, xây dựng các mô hình làng nghề
truyền thống kết hợp du lịch trải nghiệm để tăng cường giá trị sản phẩm và tạo
động lực phát triển kinh tế cho địa phương.
Việc phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương thành chuỗi
giá trị là một hướng đi đúng đắn và cần thiết để Nghệ An thúc đẩy công nghiệp
nông thôn phát triển bền vững. Với sự hỗ trợ từ chính quyền, sự tham gia của
các doanh nghiệp và hợp tác xã, cùng với sự đổi mới công nghệ và nâng cao chất
lượng nguồn nhân lực, Nghệ An hoàn toàn có khả năng biến những đặc sản địa
phương trở thành những sản phẩm chiến lược, góp phần đưa kinh tế nông thôn lên
một tầm cao mới./.