1. Cao tốc phải có tối thiểu 4 làn xe:
Theo Thông tư 06/2024 về
Quy chuẩn kỹ thuật đường bộ cao tốc, hiệu lực từ 1/10, Bộ Giao thông Vận tải
quy định cao tốc phải có tối thiểu 4 làn xe chạy (hai làn xe mỗi chiều); phải
có làn dừng khẩn cấp được bố trí liên tục, trừ vị trí qua cầu có khẩu độ nhịp
từ 150 m trở lên hoặc cầu có trụ cao từ 50 m trở lên, qua hầm.
Cao tốc có 3 cấp thiết kế
theo tốc độ tối đa, gồm 120, 100 và 80. Các khu vực địa hình khó khăn, liên
quan yếu tố quốc phòng an ninh có thể áp dụng tốc độ thiết kế 60 km/h. Làn xe
rộng tối thiểu 3,75 m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 3,5 m đối với
đường cấp 80. Làn dừng khẩn cấp rộng tối thiểu 3 m với cấp 120 và 100; cấp 80
là 2,5 m.
Trước đó, cao tốc được
xây dựng theo tiêu chuẩn TCVN 5729:2012, khuyến cáo số làn xe được xác định
trên cơ sở tính toán năng lực thông hành. Trường hợp phương án phân kỳ đầu tư,
cao tốc phải làm thiết kế tổng thể hoàn chỉnh cho tương lai để tạo thuận lợi cho
việc xây dựng ở giai đoạn sau.
Nhiều tuyến cao tốc tại
Việt Nam, như Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Yên Bái - Lào Cai, Hòa Lạc -
Hòa Bình, Thái Nguyên - Chợ Mới, Tuyên Quang - Hà Giang và Đồng Đăng - Trà
Lĩnh, ban đầu được đầu tư với quy mô hai làn xe. Điều này đã gây ra nhiều hạn
chế về lưu lượng và an toàn giao thông. Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng
đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nhanh chóng rà soát và nâng cấp các tuyến
đường này lên 4 làn xe.
Cao tốc
4 làn xe
2. Trạm dừng nghỉ phải có trụ sạc xe điện:
Theo Thông tư 09/2024 của
Bộ Giao thông Vận tải về quy chuẩn kỹ thuật trạm dừng nghỉ trên cao tốc có hiệu
lực từ 5/10, trạm dừng nghỉ trên cao tốc được phân thành 4 loại. Trạm loại 1 có
diện tích lớn nhất, từ 10.000 m2 trở lên, trong đó bãi đỗ xe chiếm khoảng một
nửa. Các loại trạm còn lại có diện tích giảm dần, lần lượt là 5.000 m2, 3.000
m2 và 1.000 m2.
Theo quy định mới, trạm
dừng nghỉ loại 1 và 2 bắt buộc phải dành 10% diện tích đỗ xe cho xe điện, trong
khi loại 3 và 4 được khuyến khích thực hiện. Việc lắp đặt cụ thể các trụ sạc sẽ
dựa trên nhu cầu thực tế tại từng địa điểm.
Với những trạm dừng nghỉ
đã đưa vào khai thác trước ngày Thông tư có hiệu lực, chủ sở hữu phải hoàn
thành việc sửa chữa, nâng cấp các hạng mục, bao gồm trạm sạc và khu vực đỗ cho
xe điện theo quy chuẩn trước ngày 1/1/2027.
Trụ sạc
xe điện
3. Quy định mới về
đánh số nhà:
Thông tư 08/2024 của Bộ
Xây dựng quy định việc đánh số, gắn biển số nhà, công trình xây dựng có hiệu
lực từ ngày 15/10. Văn bản này thay thế Quyết định 05/2006 được thực hiện trong
18 năm qua.
Cụ thể, nhà mặt đường,
phố được đánh số theo thứ tự tăng dần (1, 2, 3...), bắt đầu từ số 1. Nhà bên
trái đường mang số lẻ, nhà bên phải mang số chẵn. Chiều đánh số thường từ Bắc
xuống Nam hoặc từ Đông sang Tây.
Với nhà có hai mặt tiền
thì ưu tiên đánh số theo mặt tiền đường rộng hơn. Nếu hai mặt tiền ngang bằng
sẽ căn cứ vào vị trí cửa chính hoặc số nhà đã có trên đường đó để quyết định.
Đối với đường, phố chưa có nhà, UBND cấp huyện sẽ lập danh sách số nhà dự phòng
dựa trên quy hoạch chi tiết, đảm bảo việc đánh số được thực hiện một cách khoa
học và thống nhất.
Nguyên tắc chèn số nhà
với nhà xây mới xen giữa hai nhà hiện hữu là thêm chữ cái in hoa hoặc số tự
nhiên vào số nhà bên cạnh nhỏ hơn. Ví dụ, nhà phát sinh giữa hai nhà 20 và 22
sẽ được đánh số 20A, 20B, 20C hoặc 20-1, 20-2, 20-3. Với nhà trong ngõ chưa có
tên riêng, nguyên tắc đặt tên theo số nhà mặt đường, phố nằm kề ngay trước ngõ
(theo số nhà nhỏ hơn).