Các nguyên tắc trong đảm bảm an toàn lao động đối với người lao động làm việc trong ngành điện

Tai nạn điện rất nguy hiểm, thực tế đã chứng minh có rất nhiều vụ tai nạn điện gây tử vong. Đại đa số các vụ tai nạn lao động đều có nguyên nhân chủ quan: do kiến thức về kỹ thuật an toàn điện và ý thức tự bảo vệ mình của người lao động  còn chưa đầy đủ, sức khỏe không đảm bảo...; những người làm công tác quản lý, những người chịu trách nhiệm về an toàn làm không tròn trách nhiệm, tùy tiện, cẩu thả, bố trí lao động không hợp lý... Vì vậy, bài học đầu tiên và không bao giờ được quên trong suốt quá trình làm việc đối với mọi người lao động ngành điện là phải nắm vững:

Anh-tin-bai

1. Phải thông hiểu qui trình an toàn!

- Quy trình kỹ thuật an toàn (KTAT) nói chung và an toàn (AT) điện nói riêng là những văn bản pháp luật, trong đó quy định cách thức, trình tự và trách nhiệm của những người có liên quan... khi tiến hành các công việc có các yếu tố nguy hiểm, độc hại... để bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho quá trình lao động, sản xuất.

- Những người có liên quan và người lao động (NLĐ) bắt buộc phải nắm vững các qui định về an toàn lao động (ATLĐ) phục vụ cho công việc của mình. Nắm vững được các qui định về ATLĐ và nhận thức được sự cần thiết của chúng đối với tính mạng, sức khỏe của chính mình là kiến thức an toàn cơ bản nhất mà NLĐ bắt buộc phải có.

- Khi chưa được huấn luyện, hoặc chưa hiểu rõ, hoặc còn nghi ngờ, hoặc chưa nắm vững quy trình, cách sử dụng thiết bị... thì phải hỏi lại người giao công việc cho mình. Không làm việc khi chưa được huấn luyện về ATVSLĐ!

2. Phải chấp hành nghiêm qui trình an toàn!

- Việc vi phạm qui trình an toàn khi làm việc đã gây ra biết bao tai nạn và cái chết thương tâm của NLĐ. Muốn ngăn chặn tai nạn thì một trong những việc quan trọng nhất là “Chấp hành nghiêm qui trình”.

- Phải luôn ghi nhớ và rèn luyện để trở thành tập quán “chấp hành”: nói đúng, thực hiện đúng, phản ứng đúng.

- Trước khi thực hiện công việc phải suy nghĩ xem bản thân và những người cùng làm nên tiến hành cách nào đúng nhất và được an toàn nhất!

·     Biết nhận xét tình huống, cách xử lý, cách giải quyết các tình huống bất lợi.

·     Phải hiểu biết về các nội quy, biển báo, chỉ dẫn, đặc biệt là các dấu hiệu nguy hiểm.

·     Không làm bất cứ việc gì có thể gây ra nguy hiểm, có khả năng xảy ra sự cố, tai nạn hoặc cháy nổ.

·     Phải lượng sức, không cố gắng khuân vác vật quá nặng, cồng kềnh, nên thêm người giúp sức, nên sử dụng các phương tiện cơ giới (xe...).

·     Khi phối hợp nhiều người làm công việc phải cử người chỉ huy để thống nhất hành động, đảm bảo an toàn.

- Phải luôn nhớ rằng: muốn đảm bảo tính mạng và sức khỏe cho chính mình thì không bao giờ được phép vi phạm qui trình; những người vi phạm quy trình chắc chắn phải bị lên án và sẽ bị đào thải.

3. Hãy hỏi - nếu bạn không nắm chắc!

- Nếu vì một lý do nào đó, bạn chưa nắm rõ được mối nguy hiểm tại nơi làm việc và biện pháp phòng tránh thì tại sao cứ phải lao vào làm việc mà không hỏi cho rõ? Những câu hỏi này phải được người chỉ huy trực tiếp (hoặc người có trách nhiệm) trả lời ngay lập tức một cách đầy đủ nhất- trước khi nhân viên bắt đầu làm việc.

- Phải nhớ nguyên tắc: Chưa nắm chắc công việc thì không được làm, mà phải hỏi lại cho kỹ lưỡng; phải tập thao tác cho thuần thục rồi mới được làm.

- Ngược lại: Đừng trả lời nếu bạn không biết chắc và “Biết thì nói biết, không biết thì nói không biết”. Không ai biết tất cả mọi thứ, đặc biệt là những thứ không thuộc lĩnh vực và nhiệm vụ của bạn. Do đó- khi được đồng nghiệp hỏi về vấn đề an toàn nào đó mà bạn chưa biết rõ- bạn không được phép trả lời một cách bừa bãi, vô trách nhiệm. Điều đó đã không đẩy đồng nghiệp của bạn vào chỗ nguy hiểm.

4. Phải sử dụng trang thiết bị an toàn phù hợp!

- Sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân là biện pháp kỹ thuật bổ sung, biện pháp cuối cùng khi các biện pháp kỹ thuật không loại trừ được hết các yếu tố nguy hiểm. Điều này càng đặc biệt quan trọng và vô cùng cần thiết đối với công nhân ngành điện khi phải thường xuyên tiếp xúc với 2 yếu tố vô cùng nguy hiểm là điện và ngã cao.

- Phải sử dụng đúng và đủ các trang thiết bị KTAT và phương tiện bảo vệ cá nhân để làm việc. Việc quyết định sử dụng loại dụng cụ an toàn nào cho phù hợp với loại hình công việc cũng là một yếu tố quan trọng không kém.

- Nếu chưa được cấp phát đầy đủ thì đề nghị người sử dụng lao động cấp phát đầy đủ.

- Nên nhớ rằng: Không có gì đáng buồn hơn là trong biên bản điều tra tai nạn lao động (TNLĐ) kết luận nguyên nhân là do không sử dụng trang bị an toàn. 

5. Luôn cảnh giác trong lúc làm việc!

- Nhiều tai nạn lẽ ra đã được ngăn chặn nếu người bị nạn luôn cảnh giác với các mối nguy hiểm trong khi đang làm việc. Do đó, khi làm việc hãy thường xuyên nghĩ đến vấn đề an toàn liên quan nơi làm việc; và phải luôn tự đặt câu hỏi cho mình: “như vậy đã bảo đảm an toàn chưa?”.

- Không làm việc tùy tiện, cẩu thả. Phải tập trung theo sự chỉ dẫn để luôn làm đúng.

+ Không đùa giỡn, xô đẩy, tung ném vật, nói tiếu lâm, nói tục… khi làm việc nguy hiểm;

+ Không la cà, đùa giỡn ở khu vực người khác đang làm việc, máy đang hoạt động…;

- Khi làm việc phải luôn giám sát lẫn nhau. Phải báo cáo ngay với người có trách nhiệm và cảnh báo đồng nghiệp, mọi người xung quanh khi phát hiện các biểu hiện vi phạm quy trình, nguy cơ gây TNLĐ, hoặc sự cố nguy hiểm...

- Phải giữ gìn nơi làm việc của mình và góp phần giữ gìn cho toàn bộ khu vực xưởng luôn sạch sẽ, gọn gàng; dụng cụ, vật tư... để đúng chỗ quy định...       

- Khi tinh thần không thoải mái, sức khỏe không bình thường, cần đi vệ sinh cá nhân…: không nên làm việc trên cao hoặc có cường độ lao động lớn, không nên điều khiển máy có vận tốc công, suất lớn...

- Và để bảo đảm rằng bạn đang “cảnh giác” bạn phải ghi nhớ các biện pháp an toàn dự phòng tính đến yếu tố con người:

+ Bảo đảm thao tác trong tầm với tối ưu, tránh thao tác với, tư thế gò bó.

+ Bảo đảm tâm- sinh lý phù hợp; tránh quá tải, đơn điệu.

+ Bảo đảm cơ quan thính giác, thị giác hoạt động có hiệu quả, chính xác.

+ Tránh mang, vác quá sức; nâng vật nặng không đúng nguyên tắc; đảm bảo lực của tay, chân... phù hợp trong quá trình thao tác.

Chúc các bạn an toàn trở về gia đình sau mỗi ngày làm việc!

Phùng Mạnh Hùng – Phòng Hỗ trợ và Tư vấn
image advertisement
image advertisement
image advertisement


 TRUNG TÂM TƯ VẤN HỖ TRỢ VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG THƯƠNG

 Địa chỉ: Số 70, đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh, tỉnh Nghệ An

 Điện thoại: (+84-38).3595594

 Email: hotrophattriencongthuongnghean@gmail.com