Ông Phạm Bá Ái – Phó chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh, Diễn Châu nói: 'Địa phương triển khai cho người dân rồi mời doanh nghiệp. Địa phương tích cực tiếp nhận các dự án của Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như tập huấn khoa học kỹ thuật tổ chức sản xuất cho người dân theo tiêu chí cây lạc đạt tiêu chuẩn sạch".
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Ocop) gắn với tái cơ cấu sản xuất đang được huyện Diễn Châu nỗ lực triển khai với mục tiêu tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền, qua đó, tạo động lực, tiếp sức cho các địa phương xây dựng nông thôn mới bền vững.
Lạc sen Diễn Châu mặc dù được đánh giá là sản phẩm lợi thế của huyện, song để trở thành sản phẩm Ocop cấp tỉnh là điều không dễ dàng. Xác định như vậy nên cùng với thay đổi tập quán canh tác của người dân, các xã vùng trọng điểm lạc đã năng động bắt tay cùng doanh nghiệp, tạo sự liên kết 4 nhà ứng dụng khoa học - kỹ thuật và sản xuất theo chuỗi giá trị. Sự phối hợp nhịp nhàng đó, Diễn Châu đã tạo ra vùng sản xuất lạc an toàn hơn 3000ha với sản lượng 13000 tấn/năm. Với hệ thống chế biến, bảo quản được hoàn thiện nên mỗi năm, Diễn Châu xuất khẩu hơn 7000 tấn lạc sang một số thị trường Đông Nam Á. Khẳng định được chất lượng và thương hiệu trên thị trường, lạc Diễn Châu được UBND tỉnh công nhận sản phẩm Ocop 3 sao.
Ông Phạm Bá Ái – Phó chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh, Diễn Châu nói: 'Địa phương triển khai cho người dân rồi mời doanh nghiệp. Địa phương tích cực tiếp nhận các dự án của Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như tập huấn khoa học kỹ thuật tổ chức sản xuất cho người dân theo tiêu chí cây lạc đạt tiêu chuẩn sạch".
Với mong muốn sản phẩm của doanh nghiệp làm ra được công nhận và gắn sao để nâng tầm, khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng nhất định trên thị trường, Công ty Cổ phẩn Thủy sản Vạn Phần Diễn Châu đã sớm xác định, điểm mấu chốt quyết định đó là chất lượng phải mang tầm quốc tế. Theo đó, Công ty không ngừng cải tiến quy trình sản xuất, nhằm đáp ứng các chỉ số khắt khe cho xuất khẩu. Đầu năm 2020, nước mắm vạn phần đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản 20.000l và dự kiến hết năm nay sẽ là 100.000l và 500 tấn ruốc. Đây là sản phẩm đầu tiên ở Diễn Châu chinh phục được thị trường khó tính như Nhật Bản. Nước mắm Vạn Phần là 1 trong 15 sản phẩm Ocop đạt 4 sao của tỉnh và đang tiếp tục nỗ lực để sớm đạt 5 sao.
Ông Võ Văn Đại cho biết: "Nếu sản phẩm OCOP đạt 5 sao thì chất lượng rất tốt và khi đó thì mình có điều kiện để nâng cao giá trị sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm giá trị gia tăng, tức là chỉ cần giảm lượng ít nhưng giá trị lại cao. Muốn đạt được thì cũng phải thay đổi bao bì nhãn mác, tăng cường tiếp thị mở rộng thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là ứng dụng KHCN theo chương trình sản phẩm của doanh nghiệp nhưng chất lượng toàn cầu".

Một trong những công đoạn trong dây chuyền sản xuất sản phẩm
Với quyết tâm đưa các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương đến với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm Ocop, Diễn Châu đã triển khai đề án “Ứng dụng khoa học công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng thương hiệu hàng hóa”. Theo đó đã có 3 sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể, 3 sản phẩm được được công nhận đạt tiêu chuẩn Vietgap. Sau hơn 1 năm triển khai chương trình Ocop, Diễn Châu có 3 sản phẩm được công nhận 3 sao, 4 sao là rau mùi tàu, lạc sen và nước mắm. Trong năm 2020, Diễn Châu đặt ra mục tiêu có thêm 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn Ocop.
Ông Phan Xuân Vinh – Phó chủ tịch UBND huyện Diễn Châu trao đổi: "Chúng ta tiếp tục phát huy các làng nghề truyền thống, nhất là các sản phẩm có tính thương hiệu, có tính đặc trưng ở Diễn Châu, gắn với chương trình ocop của các địa phương, tiếp tục đồng hành cùng tỉnh, TW xây dựng các sản phẩm có tính chất có giá trị gia tăng và bền vững để vừa tiêu thụ trong nước, vừa xuất khẩu ra nước ngoài".
Huyện Diễn Châu có nhiều sản phẩm đặc trưng nên tiềm năng xây dựng sản phẩm Ocop là rất lớn. Đây là cơ hội lớn, không chỉ khẳng định tiêu chuẩn, chất lượng và tính truyền thống của sản phẩm địa phương mà còn góp phần thay đổi từ tư duy, cách làm trong sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ cho đến xây dựng nhãn mác hàng hóa, thương hiệu sản phẩm của chính quyền, người nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện.
Phan Hạnh - Phòng Khuyến công