Những năm qua, UBND Huyện Đô Lương đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Sau gần 2 năm có 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn cấp huyện và 5 sản phẩm OCOP cấp tỉnh – Mở ra cơ hội thuận lợi để người dân tham gia trong các chuỗi sản xuất, nâng giá trị hàng nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững.
Bánh gói đa nem thương hiệu Kiu Kiu tại xóm 1 xã Thái Sơn, huyện Đô Lương từ lâu nổi tiếng và được tiêu thụ trên thị trường cả nước. Những ngày cuối năm, tranh thủ thời tiết thuận lợi, cơ sở này hoạt động 16 h mỗi ngày để sản xuất đủ lượng hàng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và những ngày tết Nguyên Đán. Mỗi ngày sản xuất hết 200k gạo, sử dụng 8-10 công nhân và cho ra thị trăm ngàn chiếc bánh các loại. Đây cũng là 1 trong 5 sản phẩm đầu tiên của Đô lương đạt OCOP cấp tỉnh năm 2020.

Ảnh 1: Bánh đa nem nhãn hiệu Kiukiu xã Thái Sơn.
Đô Lương là địa phương có thế mạnh với nhiều nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng. Trước đây, các sản phẩm hầu hết chỉ sản xuất kinh doanh theo phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều cơ sở đã chú trọng tới việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Trong sản xuất luôn đảm bảo có giấy phép kinh doanh hợp pháp, có đầy đủ giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Nhờ vậy, các sản phẩm nông nghiệp Đô Lương giờ đây không chỉ nổi tiếng trong vùng, cả nước mà đang từng bước vươn ra khu vực. Điển hình như thương hiệu bánh đa Lương Sơn ở xã Nhân Sơn, sau 2 năm cơ sở này đã mở được 2 cơ sở ở Bình Dương và có mặt ở nhiều nước trong khu vực.
Đầu năm 2019, UBND huyện Đô Lương đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ đến các xã, thị trấn; chỉ đạo xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực nhằm nâng cao giá trị, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân. Huyện đã tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP và các đơn vị, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất. Các cơ sở sản xuất cũng đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư trang thiết bị máy móc để nâng cao hiệu quả sản xuất và hạ giá thành sản phẩm. Thực hiện có hiệu quả việc “Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP” với nhiều hình thức như: Tham gia các hội chợ, các cuộc xúc tiến thương mại, kết nối đối tác OCOP nhằm cung cấp dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Triển khai chương trình phát triển thương mại điện tử đối với sản phẩm OCOP…

Ảnh 2: Sản phẩm Come-on của Công ty TNHH Hà Duy Minh tham gia hội chợ
Để xây dựng sản phẩm OCOP, UBND huyện Đô Lương đã rà soát đánh giá, lựa chọn hoàn thiện/nâng cấp được 22 sản phẩm hiện có của địa phương. Kết quả phân hạng xếp loại, có 11 sản phẩm OCOP của huyện đạt từ 50 điểm trở lên và có 5 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Nghệ An năm 2020. Trong đó: sản phẩm bánh đa Lương Sơn xã Nhân Sơn, bánh đa nem Kiu Kiu Thái Sơn được xếp hạng 3 sao. Riêng các sản phẩm thảo dược thiên của công ty TNHH Hà Duy Minh xã Lam Sơn như: Dầu gội thảo dược, túi lọc thảo dược – tắm cho bé và tinh dầu Sả đạt OCOP 4 sao, được cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Nghệ An . Hiện nay, Đô Lương đã làm thủ tục hồ sơ và có 6 sản phẩm đạt các tiêu chí để được tỉnh công nhận đầu năm 2021.
Chương trình OCOP là giải pháp góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành công ở Đô Lương. Với những giải pháp đồng bộ, bám sát đặc điểm địa phương, tin tưởng Đô Lương sẽ tiếp tục gặt hái được những kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình “Mỗi xã, thị một sản phẩm”; vừa nâng tầm chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa nông sản, vừa tăng thu nhập cho người sản xuất và thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển./.
Thùy Linh - Phòng Khuyến công